Theo thông báo vừa được Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đưa ra, nhiệt độ trung bình của nước này vào mùa Thu 2023 là cao nhất kể từ khi việc thống kê được thực hiện vào năm 1898.
JMA cho biết, nhiệt độ từ tháng 9 đến tháng 11 ở Nhật Bản đã tăng 1,39 độ C so với mức trung bình, cao hơn kỷ lục từng được ghi nhận trước đó hồi mùa Thu năm ngoái với mức tăng là 0,9 độ C.
Nhiệt độ năm nay vẫn ở mức cao dù đã sang tháng 9, với nhiệt độ trung bình mùa Thu ở mức kỷ lục được ghi nhận tại 87/153 địa điểm. Tại trung tâm Tokyo, nhiệt độ lên tới 27,5 độ C vào ngày 7/11, kỷ lục mới về mức nhiệt cao nhất của tháng này trong 100 năm qua.
Trong khi đó, nhiệt độ trung bình mùa Xuân và mùa Hè năm nay cũng cao nhất từ trước đến nay, lần lượt hơn mức trung bình là 1,59 độ C và 1,76 độ C.
Các quan chức thời tiết nhận định, nhiệt độ cao bất thường là do hiện tượng nóng lên toàn cầu và ảnh hưởng của gió Tây, và Nhật Bản có thể sẽ vẫn phải đương đầu với nhiệt độ cao bất thường.
Hồi đầu tháng 11, các nhà khoa học Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra dự báo rằng năm 2023 "gần như chắc chắn" sẽ là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua. Dự báo trên được đưa ra sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy tháng 10/2023 là tháng 10 nóng nhất trong 125.000 năm qua. Theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu EU Copernicus, tháng 10/2023 đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ được lập trước đó vào tháng 10/2019, với mức chênh lệch lớn.
"Kỷ lục đã bị phá vỡ 0,4 độ C, đây là mức chênh lệch rất lớn", Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess nói và mô tả sự bất thường như vậy về nhiệt độ trong tháng 10 là "rất khắc nghiệt".
Trước đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cùng Copernicus xác nhận thế giới đã trải qua 3 tháng nắng nóng chưa từng có trong số các kỷ lục được thiết lập từ năm 1940, và hiện tượng này có thể sẽ tiếp diễn cho đến năm tới. Cụ thể, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong ba tháng đó là 16,77 độ C (62,19 độ F), cao hơn 0,66 độ C so với mức trung bình từ năm 1990 đến năm 2020.
Tình trạng này xuất hiện sau một loạt hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trên khắp Bắc bán cầu, với những đợt nắng nóng lặp đi lặp lại gây ra những vụ cháy rừng tàn khốc.
Theo Copernicus, cả tháng 7 và tháng 8 đều nóng hơn ước tính 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là ngưỡng quan trọng mà các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo thế giới phải duy trì để ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.
"Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo về hậu quả của việc nghiện nhiên liệu hóa thạch. Khí hậu của chúng ta đang biến đổi nhanh hơn mức chúng ta có thể đối phó với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra ở mọi nơi trên hành tinh", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres lên tiếng.
Hoàng Dương