Trong tháng 5/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực, nổi bật là các chính sách liên quan đến đến công chức, viên chức, về giá điện, lĩnh vực giáo dục…
Tiêu chuẩn lý luận chính trị, quản lý nhà nước với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý
Nghị định số 29/2024/NĐ-CP ngày 6/3/2024 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/5/2024.
Nghị định quy định tiêu chuẩn chung áp dụng đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý gồm các tiêu chuẩn về chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác.
Nghị định số 29/2024/NĐ-CP quy định cụ thể các tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý thuộc Bộ, thuộc Tổng cục và của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện.
Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển Cụm công nghiệp
Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ban hành ngày 15/3/2024 của Chính phủ quy định ưu đãi đầu tư đối với Cụm công nghiệp (CCN) là địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Việc áp dụng các ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.
Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Kinh phí hỗ trợ không tính vào tổng mức đầu tư của dự án để tính giá cho thuê lại đất, giá sử dụng hạ tầng đối với các dự án đầu tư trong CCN. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN có trách nhiệm quản lý, sửa chữa, vận hành thường xuyên các công trình hạ tầng kỹ thuật được hỗ trợ để phục vụ hoạt động chung của CCN.
Nghị định có hiệu lực từ 1/5/2024.
Quy định mức hao hụt thóc, gạo dự trữ quốc gia
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 19/2024/TT-BTC ngày 22/3/2024 quy định về định mức kinh tế-kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia và định mức hao hụt thóc, gạo dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.
Theo Thông tư, định mức hao hụt đối với gạo bảo quản kín như sau: Thời gian bảo quản dưới 12 tháng là 0,050%; thời gian bảo quản từ 12 đến 18 tháng 0,058%; thời gian bảo quản trên 18 tháng 0,066%.
Định mức hao hụt đối với thóc bảo quản đổ rời và thóc đóng bao trong điều kiện áp suất thấp như sau: Thời gian bảo quản thóc từ 1 tháng đến 3 tháng: 0,3%; thời gian bảo quản thóc từ >3 tháng đến 6 tháng: 0,5%; thời gian bảo quản thóc từ >6 tháng đến 9 tháng: 0,7%; thời gian bảo quản thóc từ >9 tháng đến 12 tháng: 0,9%; thời gian bảo quản thóc từ >12 tháng đến 18 tháng: 1,1%; thời gian bảo quản thóc từ >18 tháng đến 24 tháng: 1,3%; thời gian bảo quản thóc từ >24 tháng đến 30 tháng: 1,4%; thời gian bảo quản thóc trên 30 tháng (cộng thêm/tháng): 0,015%.
Định mức hao hụt đối với thóc bảo quản đổ rời và thóc đóng bao bảo quản kín bổ sung khí nitơ duy trì nồng độ ≥ 98% như sau: Thời gian bảo quản thóc từ 1 tháng đến 3 tháng: 0,3%; thời gian bảo quản thóc từ >3 tháng đến 6 tháng: 0,5%; thời gian bảo quản thóc từ >6 tháng đến 9 tháng: 0,6%; thời gian bảo quản thóc từ >9 tháng đến 12 tháng: 0,7%; thời gian bảo quản thóc từ >12 tháng đến 18 tháng: 0,8%; thời gian bảo quản thóc từ >18 tháng đến 24 tháng: 0,9%; thời gian bảo quản thóc từ >24 tháng đến 30 tháng: 1%; thời gian bảo quản thóc trên 30 tháng: (cộng thêm/tháng): 0,015%.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/5/2024.
Rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá điện
Có hiệu lực từ ngày 15/5, Quyết định số 5/2024/QĐ-TTg ngày 26/3/2024 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Quyết định trên cho phép rút ngắn thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng. Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.
Chi phí nhập, chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 20/2024/TT-BTC ngày 25/3/2024 quy định về định mức chi phí nhập, chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia tại cửa kho dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý.
Theo Thông tư, định mức chi phí nhập, chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia tại cửa kho dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 20/2024/TT-BTC.
Điển hình như định mức chi phí nhập, xuất lương thực và muối ăn được quy định như sau: Định mức chi phí nhập kho gạo: 246.816 đồng/tấn/lần; định mức chi phí xuất kho gạo: 234.400 đồng/tấn/lần; định mức chi phí nhập kho thóc đổ rời: 261.271 đồng/tấn/lần; định mức chi phí xuất kho thóc đổ rời: 241.536 đồng/tấn/lần; định mức chi phí nhập kho thóc đóng bao: 443.721 đồng/tấn/lần; định mức chi phí xuất kho thóc đóng bao: 234.286 đồng/tấn/lần; định mức chi phí nhập muối ăn: 251.563 đồng/tấn/lần; định mức chi phí xuất muối ăn: 278.014 đồng/tấn/lần.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/5/2024.
Quy định mới về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”
Nghị định số 35/2024/NĐ-CP ngày 2/4/2024 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” có hiệu lực từ ngày 25/5/2024.
Cụ thể, đối tượng áp dụng là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục bao gồm: Nhà giáo và cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục (gọi chung là nuôi dạy), giảng dạy trong cơ sở giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục; cán bộ quản lý làm nhiệm vụ quản lý tại các cơ quan quản lý giáo dục theo quy định của pháp luật (gọi chung là cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục); cán bộ nghiên cứu giáo dục làm nhiệm vụ nghiên cứu về khoa học giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Cùng với đó là nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đã nghỉ hưu theo chế độ BHXH giữa 2 lần xét tặng liền kề với năm xét tặng; nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý tại cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đã nghỉ hưu theo chế độ BHXH tiếp tục là giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu tại các cơ sở giáo dục dân lập và tư thục.
Hà Thủy