Chiều nay (31/10), Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Qua thảo luận tại tổ trước đó, các ĐBQH nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, đồng thời đề nghị sửa đổi một số quy định để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
Tăng tỷ lệ hỗ trợ một số nhóm đối tượng
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật BHYT lần này sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức KCB BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật. Dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến KCB sang cấp chuyên môn kỹ thuật, để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh)
Qua thảo luận tại tổ trước đó, các ĐBQH cơ bản đồng tình với việc trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình một Kỳ họp, để đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện nay. Các ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi Luật BHYT lần này là cần thiết để giải quyết được các bất cập, hạn chế đã được nhận diện, hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người tham gia BHYT trên cơ sở hài hoà lợi ích giữa người tham gia BHYT với cơ sở KCB ban đầu…, góp phần khuyến khích tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Theo ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người dân, đặc biệt là tại Dự thảo Luật này đã bổ sung thêm nhiều đối tượng được đóng hoặc hỗ trợ mức đóng từ tổ chức BHXH hoặc từ NSNN. Trên cơ sở thực tế và qua các cuộc tiếp xúc cử tri, hiện có nhóm đối tượng HSSV và người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình cần phải được quan tâm. Do vậy, Dự thảo Luật xem xét, quy định nâng mức hỗ trợ từ NSNN cho 2 nhóm đối tượng này từ 30% lên tối thiểu 50% mức đóng để giảm bớt khó khăn.
Cũng theo ĐB Tuấn, nhóm đối tượng này đang được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT và mức đóng từng năm được quy định bằng 4,5% mức lương cơ sở. Tuy nhiên, vừa qua khi mức lương cơ sở tăng thêm 30%, thì giá trị thẻ BHYT cũng tăng thêm 30%, đồng nghĩa với việc người tham gia BHYT phải chi từ tiền túi của họ tăng thêm 30% so với trước đây, tương đương với 884.000 đồng/thẻ/năm thay vì trước đây chỉ mất 680.000 đồng/thẻ/năm.
"Việc tăng lương cơ sở là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, song đây là 2 nhóm đối tượng không trực tiếp được hưởng lợi từ chính sách này nhưng lại phải chi thêm tiền để mua BHYT, việc này đã làm cho họ gặp khó khăn khi tham gia BHYT. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội xem xét nâng mức hỗ trợ từ 30% lên tối thiểu 50% mức đóng BHYT cho 2 nhóm đối tượng nêu trên. Khi đó, chúng ta sẽ vừa đạt mục tiêu bao phủ tỷ lệ người dân tham gia BHYT, nhưng cũng vừa giảm bớt khó khăn cho đối tượng HSSV và người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình”- ĐB Tuấn kiến nghị.
Bổ sung quy định để giải quyết tận gốc vướng mắc trong thanh quyết toán KCB BHYT
Góp ý vào Dự thảo Luật, một số ĐB đề nghị sửa đổi khái niệm giám định BHYT; bổ sung quy định để giải quyết tận gốc những vướng mắc trong công tác thanh quyết toán chi phí KCB BHYT giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB trong thời gian qua.
ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình)
Trong Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Luật BHYT, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và Ủy ban Xã hội của Quốc hội đều nêu nhiều vướng mắc trong công tác giám định BHYT, chủ yếu xuất phát từ các quy định của pháp luật về “đánh giá chuyên môn y tế” giao cơ quan BHXH thực hiện. Trong đó, quan điểm của Bộ Y tế cho rằng, khái niệm giám định trong Luật BHYT hiện hành còn rộng so với bản chất của công tác giám định là tập trung vào kiểm soát chi phí, kiểm soát thanh toán...; giám định BHYT là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan BHXH để kiểm tra, rà soát, đối chiếu các yêu cầu thanh toán chi phí KCB BHYT của cơ sở KCB BHYT, người tham gia BHYT với các quy định của pháp luật BHYT và KCB, làm cơ sở xác định chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT.
Liên quan vấn đề này, ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho biết, trên thực tế “việc đáng giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT”, “đánh giá việc chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh” là chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn, hội đồng chuyên môn của ngành Y tế nhưng giao cho cơ quan BHXH thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, tồn tại kéo dài nhiều năm giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB, làm chậm tiến độ thanh quyết toán chi phí KCB BHYT.
Từ những phân tích trên, ĐB Trần Quang Minh cho rằng, việc sửa đổi khái niệm giám định BHYT trong Luật BHYT hiện hành là vấn đề cấp thiết, cấp bách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT kéo dài nhiều năm qua, đặc biệt là trong thanh toán chi phí KCB BHYT. Đồng thời, để đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan BHXH là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách. Vì vậy, ĐB đề nghị thay cụm từ “giám định BHYT” thành “kiểm soát chi phí KCB BHYT nhằm hạn chế tối đa việc tranh chấp chuyên môn về y tế giữa cơ sở KCB BHYT và cơ quan BHXH, giúp việc thanh quyết toán được nhanh hơn, phân định trách nhiệm giữa các bên rõ ràng, minh bạch.
Đồng tình với quan điểm trên và qua khảo sát thực tế tại địa phương, ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho biết, thực tế thời gian qua, hoạt động giám định BHYT là hoạt động kiểm tra, đối chiếu các yêu cầu thanh toán chi phí KCB BHYT của cơ sở KCB BHYT, của người tham gia BHYT với các quy định của pháp luật về BHYT, về KCB, các quy trình chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế của Bộ Y tế và các quy định pháp luật liên quan để xác định chi phí KCB được thanh toán theo chế độ BHYT. Hoạt động kiểm tra, đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT; đánh giá việc chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh là nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn, hội đồng chuyên môn của ngành Y tế.
Tuy nhiên, theo luật hiện hành, nhiệm vụ này đang được giao cho cơ quan BHXH thực hiện. Do đó, việc sửa đổi khái niệm, nội dung giám định BHYT trong Luật BHYT hiện hành (Khoản 6 Điều 2, Khoản 1 Điều 29) là vấn đề cấp bách, cấp thiết để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT kéo dài nhiều năm qua, đặc biệt là trong thanh toán chi phí KCB BHYT; đồng thời để đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan BHXH là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách.
Nguyệt Hà