Sáng 31/10, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh, Hội đồng Tư vấn, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2023 (BHXH Việt Nam) họp tư vấn, đánh giá, nghiệm thu Đề tài khoa học "Giải pháp nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng ngành BHXH Việt Nam theo quy định mới của Luật Thi đua-Khen thưởng".
Trình bày các nội dung cơ bản của Đề tài, ông Đỗ Mạnh Hà- Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng (BHXH Việt Nam), Chủ nhiệm Đề tài cho biết, năm 2022, sau khi đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Luật Thi đua-Khen thưởng, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Thi đua-khen thưởng 2022 (hiệu lực thi hành từ 1/1/2024) thay thế Luật Thi đua-Khen thưởng năm 2013. Một số nội dung mới cơ bản của Luật Thi đua-Khen thưởng năm 2022 có liên quan tác động đến việc tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của Ngành. Mặt khác, trong quá trình tổ chức thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần bổ sung, sửa đổi.
"Trước những yêu cầu nhiệm vụ của BHXH Việt Nam và thực tế công tác thi đua, khen thưởng hiện nay, nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thi đua khen thưởng, để công tác thi đua thực sự là đòn bẩy tạo động lực thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ và phong trào thi đua của toàn Ngành phát triển toàn diện, khẳng định vai trò vị thế của ngành BHXH Việt Nam có sự đổi mới mạnh mẽ thực chất và hiệu quả thì việc nghiên cứu Đề tài "Giải pháp nâng cao chất lượng công tác TĐKT ngành BHXH Việt Nam theo quy định mới của Luật Thi đua-Khen thưởng" là cần thiết và cấp bách"- ông Đỗ Mạnh Hà nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, đại diện nhóm nghiên cứu cũng đã trình bày những nội dung cơ bản của Đề tài như: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về thi đua, khen thưởng, trong đó có những quan điểm, chủ trương của Đảng về thi đua, khen thưởng; quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng gia đoạn 2017-2022 và từ năm 2023 đến nay. Đồng thời, nêu rõ thực trạng công tác thi đua, khen thưởng ngành BHXH Việt Nam. Từ đó, đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, đáng chú ý như: Đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu về công tác thi đua, khen thưởng; đổi mới nội dung, hình thức tổ chức thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh công tác phát hiện, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn Ngành; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ về thi đua, khen thưởng; triển khai ứng dụng CNTT trong công tác thi đua, khen thưởng.
Cho ý kiến tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của Đề tài. Theo đó, các thành viên Hội đồng đánh giá đây là Đề tài có tính mới, được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ. Đề tài cũng đã làm rõ được mặt lý luận, đánh giá thực trạng, tồn tại trong công tác thi đua, khen thưởng. Cùng với đó, Đề tài đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng nguồn lý luận, thực tiễn trong thực hiện các nhiệm vụ về thi đua, khen thưởng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần của Luật Thi đua-Khen thưởng. Ngoài ra, các thành viên Hội đồng cũng đóng góp, gợi mở một số nội dung để nhóm nghiên cứu có thể bổ sung, hoàn thiện Đề tài, để việc áp dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả cao.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh- Chủ tịch Hội đồng ghi nhận tinh thần trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học của Ban Chủ nhiệm Đề tài. Đồng thời, đánh giá cao các góp ý sát, trúng, đúng của thành viên Hội đồng nhằm giúp Ban Chủ nhiệm có được những gợi mở hữu ích để bổ sung, hoàn thiện Đề tài. Thống nhất với các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh yêu cầu Ban Chủ nhiệm cần làm sắc nét, nổi bật những số liệu, kết quả nghiên cứu; đồng thời liên kết các tồn tại, hạn chế để đưa ra được các giải pháp cụ thể, gắn với thực tiễn hoạt động thi đua, khen thưởng của Ngành…, nhất là đảm bảo tính thực tiễn của Đề tài khi triển khai.
Hà Thủy