Tạp chí BHXH số ra ngày 16/12/2023, có bài phản ánh về tình trạng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam nợ lương, chậm đóng BHXH kéo dài.
Do bị nợ tiền lương và chậm đóng BHXH, BHYT trong 6 tháng qua nên hơn 100 cán bộ, giảng viên đang hết sức khó khăn. Giảng viên của Trường quyết định ngừng giảng dạy từ ngày 18/12/2023, khiến việc học của hơn 500 sinh viên bị ảnh hưởng. Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB và XH tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản đề nghị Trường CĐ Y tế Quảng Nam khẩn trương ổn định tình hình dạy và học của nhà trường.
Theo đó, Sở LĐ-TB và XH tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban Giám hiệu Nhà trường cùng với các tổ chức đoàn thể nhà trường khẩn trương tổ chức đối thoại, làm việc trực tiếp với các phòng, khoa chuyên môn thuộc trường để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ổn định tư tưởng để đội ngũ nhà giáo tiếp tục thực hiện tốt công tác giảng dạy, đảm bảo việc học tập của HSSV được xuyên suốt; quán triệt đến HSSV tiếp tục tham gia học tập đầy đủ chương trình đào tạo theo lịch giảng dạy.
Đồng thời, Nhà trường cần đẩy mạnh công tác thông tin, động viên toàn thể viên chức, NLĐ nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng chia sẻ và nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm học 2023-2024. Sở LĐ-TB và XH tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Trường CĐ Y tế Quảng Nam nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại các buổi làm việc với trường và các Sở, ngành liên quan; khẩn trương phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan để kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của trường.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH, ông Huỳnh Tấn Tuấn- Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Quảng Nam cho biết, sau buổi làm việc với giảng viên cùng ngày, các giảng viên, cán bộ của trường cũng yên tâm hơn; đa số cán bộ, giảng viên đi làm lại bình thường. Hiện Trường có gần 500 HSSV, trong đó có khoảng 100 lưu học sinh Lào, 195 tân sinh viên. Tuy nhiên, Trường đang nợ 6 tháng lương của 114 người với số tiền hơn 5,7 tỷ đồng. Trước đó, BV trực thuộc Trường CĐ Y tế Quảng Nam cũng đã phải đóng cửa từ giữa tháng 1/2023, trong khi còn nợ hơn 9 tháng lương (khoảng 800 triệu đồng) của 22 người.
Ông Văn Phú Quân- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến hết tháng 10/2022, Trường chậm đóng BHXH của 105 NLĐ với số tiền hơn 878 triệu đồng. Việc này khiến cho cơ quan BHXH không đủ căn cứ giải quyết chế độ cho NLĐ. Do rơi vào cảnh cùng đường, các cán bộ, giảng viên mới phải đi đến quyết định ngừng giảng dạy; thậm chí có người bị ốm đau cũng không thể đi khám bệnh do thẻ BHYT không còn hiệu lực. Đáng nói, một số người phải vay mượn tiền để đi KCB, hoặc cầm cố sổ đỏ để lo cho cuộc sống gia đình. Được biết, tại Khoa Điều dưỡng, việc ngừng hoạt động giảng dạy sẽ ảnh hưởng tới 6 lớp gồm: D17A, D17B, D18A, D18B, Y26, D6S. Các học phần ảnh hưởng là vận động nội tiết, tâm lý-kỹ năng giao tiếp, thực hành tại trường, thực tập tại BVĐK Quảng Nam…
Lê Văn