Nhờ chính sách hỗ trợ tham gia BHYT của Nhà nước và của địa phương, nhiều người thuộc hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có điều kiện được tiếp cận các dịch vụ y tế. Vì thế, họ đã được điều trị, chăm sóc sức khỏe kịp thời, giúp giảm bớt khó khăn cho gia đình khi không may ốm đau, bệnh tật.
Tại Khoa Ngoại thận tiết niệu (BVĐK khu vực Phúc Yên) đang có hơn 300 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Mỗi tuần, họ phải đến BV 2-3 lần để lọc máu và lấy thuốc, với chi phí điều trị mỗi năm lên tới hơn 100 triệu đồng. Song, tất cả đều có chung “điểm tựa” vững chắc là tấm thẻ BHYT. Với chi phí điều trị lớn và kéo dài nhiều năm, nếu không có BHYT, chắc chắn nhiều người sẽ phải buông xuôi, từ bỏ việc điều trị.
Nói về lợi ích của việc tham gia BHYT, chị Nguyễn Thị Vân (xã Yên Phương, huyện Yên Lạc) cho biết: “Tôi bị suy thận hơn 11 năm nay, giờ đã suy độ 5 rồi. Đều đặn mỗi tuần, tôi phải tới BV lọc máu 3 lần. Sức khỏe yếu, thường xuyên phải ra vào BV, nên bản thân tôi không có khả năng lao động, trong khi chi phí điều trị, lọc máu duy trì sự sống hằng tháng lên tới hàng chục triệu đồng. Nếu tính toàn bộ viện phí đến giờ chắc phải lên tới hàng tỷ đồng rồi, nhưng nhờ có thẻ BHYT hộ nghèo, được BHYT chi trả 100% chi phí, nên tôi mới có thể bám trụ tới bây giờ…”.
Gia đình bà Phùng Thị Tình (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường) thuộc diện hộ cận nghèo nhiều năm nay. Giữa năm 2021, bà Tình phát hiện bị ung thư dạ dày, nhưng nhờ có thẻ BHYT, gia đình bà chỉ phải trả một phần nhỏ chi phí phẫu thuật, xạ trị và điều trị sau phẫu thuật. “Tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, cấp miễn phí thẻ BHYT cho mình. Nhờ có thẻ BHYT, gia đình tôi đỡ phần nào gánh nặng viện phí. Nếu không được hỗ trợ chi phí điều trị, tôi cũng không biết phải dựa vào đâu…”- bà Tình chia sẻ.
Từ năm 2013, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện hỗ trợ thêm 30% chi phí tham gia BHYT cho hộ cận nghèo trên địa bàn. Tính trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 40 nghìn lượt người nghèo, cận nghèo được hỗ trợ thêm chi phí tham gia BHYT từ ngân sách tỉnh, với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Bên cạnh chính sách hỗ trợ tham gia BHYT, người thuộc hộ nghèo khi đi KCB còn được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí, còn người thuộc hộ cận nghèo được chi trả 95% chi phí. Ngoài ra, nhóm đối tượng này khi đi KCB còn được hỗ trợ thêm một phần chi phí từ Quỹ KCB cho người nghèo của tỉnh…
Để đảm bảo quyền lợi cho người nghèo và cận nghèo khi đi KCB, hằng năm, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đều phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB&XH rà soát danh sách, cấp phát thẻ BHYT cho các đối tượng trước ngày 10/1. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền giúp người nghèo và cận nghèo nắm rõ các quy định chính sách, pháp luật BHYT. Kết quả, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, quỹ BHYT đã chi trả hơn 727 tỷ đồng chi phí KCB BHYT cho hơn 822.000 lượt người, trong đó có hàng chục nghìn lượt bệnh nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, người nghèo và cận nghèo còn được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế chất lượng cao, nên giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến và giảm chi phí cho gia đình người bệnh.
Có thể thấy, chính sách BHYT đã thực sự trở thành điểm tựa an sinh vững chắc, giúp người nghèo và cận nghèo giảm bớt khó khăn về tài chính, yên tâm điều trị khi ốm đau, bệnh tật; góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách hỗ trợ, đảm bảo 100% người nghèo và cận nghèo có thẻ BHYT và được hưởng đầy đủ các quyền lợi khi đi KCB.
Phương Khuyến