Những năm gần đây, suy giảm thị lực vẫn được coi là một trong những mối lo ngại toàn cầu về sức khỏe. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có ít nhất 2,2 tỷ người bị suy giảm thị lực trên toàn cầu; tuy nhiên, ít nhất 1 tỷ người bị suy giảm thị lực có thể phòng ngừa hoặc điều trị được. Người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp, người dân ở khu vực nông thôn và người cao tuổi là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước vấn đề sức khỏe liên quan đến thị lực.
Đối với con người nói chung, người nghèo nói riêng, thị lực tốt là điều cần thiết cho hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống. Cho dù là nấu ăn, may vá, đọc sách hay làm nông, rõ ràng người có thị lực tốt có nhiều khả năng có thu nhập cao hơn, cải thiện trình độ học vấn và thực hiện tốt các hoạt động hằng ngày. Theo WHO, có ít nhất 2,2 tỷ người bị suy giảm thị lực trên toàn cầu và mỗi năm, thế giới mất hơn 200 tỷ USD do NLĐ bị giảm năng suất do suy giảm thị lực, bao gồm cả cận thị và lão thị mà không được điều trị kịp thời.
Để tháo gỡ vướng mắc này, các chuyên gia, tổ chức đã tích cực nghiên cứu công nghệ mới để tìm ra nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí để điều trị suy giảm thị lực, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Một ví dụ đáng chú ý nhất là sáng kiến kính mắt tự điều chỉnh thị lực dành cho người nghèo. Sáng kiến này được đưa ra bởi theo số liệu thống kê, ở các quốc gia đang phát triển, trung bình chỉ có 1 nhân viên đo thị lực cho mỗi 600.000 người; hơn nữa, giá thành kính tự điều chỉnh thị lực không dễ tiếp cận, hay nói cách khác, không phải người nghèo nào cũng đủ khả năng chi trả.
GS.Joshua Silver, chuyên ngành Vật lý, Đại học Oxford (Vương quốc Anh) là người sáng lập Trung tâm Tầm nhìn Thế giới đang phát triển (Center for Vision in the Developing World, CVDW). Ông cùng các cộng sự đã phát minh kính mắt tự điều chỉnh thị lực để điều trị cận thị và viễn thị với chi phí thấp và không cần đến bác sĩ đo thị lực. Theo đó, kính bao gồm 2 thấu kính cấu tạo từ các màng linh hoạt; chứa dung dịch chất lỏng silicon, người đeo có thể điều chỉnh thông qua ống dẫn đặt trên mỗi cánh tay. Về bản chất, có thể hiểu đơn giản là người đeo kính sẽ điều chỉnh kính bất cứ khi nào và theo cách nào họ cho là tốt nhất cho họ.
Tính đến năm 2021, 100.000 chiếc kính tự điều chỉnh thị lực do GS.Joshua Silver phát minh đã được phân phối cho người nghèo trên 20 quốc gia. Nhiều nghiên cứu, trong đó có một nghiên cứu quy mô được thực hiện ở vùng nông thôn Trung Quốc cho thấy, kính tự điều chỉnh thị lực thực sự mang lại hiệu quả không ngờ. Tuy nhiên, tính lan tỏa của sáng kiến này chưa được như mong muốn. Vào năm 2015, GS.Joshua Silver từng hy vọng sẽ 1 tỷ người nghèo nhất thế giới sẽ được tiếp cận với kính tự điều chỉnh thị lực vào năm 2020; tuy nhiên, đến năm 2021, chỉ có 100.000 người được tiếp cận. Mặc dù vậy, GS.Joshua Silver và CVDW cho biết, họ sẽ vẫn tiếp tục kiên nhẫn với sáng kiến này. Thêm vào đó, họ cũng hợp tác với Dow Corning để tạo ra Dự án Tầm nhìn Trẻ em (Child Vision Project), nhằm phân phối kính mắt tự điều chỉnh thị lực cho trẻ em nghèo ở các quốc gia đang phát triển.
Theo dự báo của WHO, tình trạng suy giảm thị lực được dự đoán sẽ gia tăng cùng với sự gia tăng dân số và tình trạng già hóa trong tương lai gần. Suy giảm thị lực sẽ trở thành một trong 10 vấn đề sức khỏe toàn cầu hàng đầu ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, năng suất và cơ hội thăng tiến của NLĐ vào năm 2030, vượt qua gánh nặng toàn cầu về HIV/AIDS. Vì vậy, các sáng kiến như mắt kính tự điều chỉnh thị lực của GS.Joshua Silver, sẽ là “điểm tựa” của người nghèo. Khi được chăm sóc thị lực kịp thời, họ sẽ có kết quả học tập, tham gia hoạt động xã hội, làm việc tốt hơn và cơ hội thoát nghèo cũng khả thi hơn.
Tùng Anh (Theo WHO)