Thuốc bày bán trên các website, trang thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Tiktok, YouTube...) ngày càng nhiều. Tình trạng này khiến thuốc thật, thuốc giả lẫn lộn và chất lượng thuốc không đảm bảo, khiến người mua lãnh đủ.
Đó là báo động từ PGS-TS.Trần Việt Hùng- Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, ngay sau phát hiện mới đây của Viện liên quan đến thuốc Linsen Double Caulis Plus. Cụ thể, theo thông tin quảng cáo trên trang web nhathuocviet24h.com (địa chỉ liên hệ tại CT10A Khu đô thị Đại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội), Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM đã liên hệ đặt mua sản phẩm có tên Linsen Double Caulis Plus.
Đây là thuốc có thành phần công bố trên nhãn gồm: Caulis Sinomenii 50 Mg; Caulis Piperis Futoradsurae 50 Mg; Rhizoma Chuanxiong 30 Mg; Radix Clematidis 60 Mg; Herba Asari Cum Radice 20 Mg; Radix Angelicae 50 Mg; Thuốc do WELIP (M) SDN. BHD- Malaysia sản xuất.
Mục đích của Viện mua loại thuốc này là phân tích làm rõ thành phần, giúp người mua tránh tình huống “tiền mất tật mang”. Kết quả phân tích cho thấy, trong mẫu có chứa Piroxicam và Dexamethason- là hai thành phần được pha trộn trái phép. Hàm lượng Piroxicam khoảng 9,56 mg/viên và hàm lượng Dexamethason khoảng 0,27 mg/viên.
Ngay khi có kết quả phân tích, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM đã gửi văn bản báo cáo Bộ Y tế để có biện pháp xử lý. Theo PGS.Hùng, thuốc là sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, là sản phẩm kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, xử lý các trường hợp này là hết sức cần thiết.
“Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM kính đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc mua, bán thuốc trên website, trang thương mại điện tử, các nền tảng xã hội”- PGS.Hùng kiến nghị.
Lãnh đạo Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM cũng mong muốn các cơ quan liên quan, trong đó có báo chí, vào cuộc vận động, tuyên truyền để người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, hợp tác với cơ quan chức năng ngay khi phát hiện các trường hợp vi phạm.
Đỗ Bá