Ngày 27/10/2023, BHXH tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị Đối thoại, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh Bình Dương và gần 200 cán bộ làm công tác nhân sự phụ trách BHXH, BHYT… của DN.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Phi Hiền- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết: “Hội nghị đối thoại giúp NLĐ, người SDLĐ hiểu rõ hơn những điểm mới của chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức, kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ; đồng thời, hỗ trợ DN thực hiện nghiêm các quy định về pháp luật, hạn chế tối đa tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đây là cơ hội để cơ quan BHXH nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của NLĐ".
Tại Hội nghị, các phòng nghiệp vụ của BHXH tỉnh Bình Dương trình bày nhiều nội dung liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Sau khi lắng nghe các nội dung trên, đại diện các đơn vị, DN đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chế độ hưu trí, BHXH 1 lần, tử tuất, ốm đau, thai sản, BH thất nghiệp, BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, chế độ TN-LĐBNN… Hầu hết khó khăn, vướng mắc đều được đại diện Lãnh đạo và các phòng nghiệp vụ của BHXH tỉnh Bình Dương giải đáp thỏa đáng.
Theo ghi nhận của PV Tạp chí BHXH, tại Hội nghị, rất nhiều đại diện DN quan tâm đến Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhất là chế độ hưu trí và nhận BHXH 1 lần.
Chị Nguyên Thảo, đại diện một DN may mặc ở TP.Thủ Dầu Một chuyển tải câu hỏi của NLĐ đến BTC: “Có NLĐ hỏi: "Năm nay tôi 35 tuổi và đã tham gia BHXH được 15 năm. Nếu tôi nhận BHXH 1 lần và sau đó lại tiếp tục tham gia BHXH từ đầu. Đến khi về hưu thì số năm tham gia BHXH của tôi khoảng 23 năm. Như vậy lương hưu của tôi sau này có bị ảnh hưởng gì không? Lương hưu của tôi thấp hay cao?"
Trả lời về vấn đế này ông Hiền cho biết, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được xác định theo quy định tại: Điều 62, Điều 64 Luật BHXH 2014; Điều 9, Điều 10 Nghị định 115/2015; Điều 20 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH; Khoản 19 và 21 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH được tính như sau: Mức lương hưu hàng tháng bằng tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Trong đó, tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng được xác định là đóng BHXH đủ 20 năm (đối với nam) và 15 năm (đối với nữ) thì tỷ lệ là 45%; sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, thì tỷ lệ này cộng thêm 2%. Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa là 75%.
Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được tính trung bình các mức thu nhập tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng. Thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH của NLĐ được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, thì ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
“Như vậy, số năm đóng BHXH càng nhiều và mức lương tính làm căn cứ đóng BHXH càng cao, thì lương hưu của NLĐ nhận được sẽ càng cao. Do vậy nếu NLĐ nhận BHXH một lần, sau đó lại tiếp tục tham gia BHXH, thì số năm tham gia BHXH sẽ bị ảnh hưởng (giảm), do vậy mức lương hưu sẽ không cao”- ông Hiền lưu ý.
Tương tự, chị Lê Thị My, đại diện một DN chế biến gỗ ở (TP.Thuận An, Bình Dương) hỏi: "Hiện DN có một số lao động làm đơn xin nghỉ việc để nhận BHXH 1 lần. Tuy nhiên, trong một năm chờ nhận BHXH 1 lần họ vẫn muốn đi làm thì có ảnh hưởng gì không?".
Về vấn đề này, ông Bùi Công Hoan- Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật công đoàn, LĐLĐ tỉnh Bình Dương cảnh báo: Đây là tình trạng đang diễn ra ở nhiều đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, người SDLĐ và NLĐ nên cân nhắc. Bởi nhận BHXH 1 lần chắc chắc thiệt thòi nhiều so với duy trì tham gia BHXH để nhận chế độ hưu trí. Nghiêm trọng hơn, nếu tính chất công việc là thường xuyên liên tục mà SDLĐ và NLĐ lại thỏa thuận HĐLĐ thời vụ thì vi phạm luật lao động và có thể bị xử phạt ở mức cao nhất là 20 triệu đồng.
Một đại diện DN khác đặt câu hỏi: "Nhiều NLĐ của công ty băn khoăn, mặc dù năm nay họ vẫn còn trong độ tuổi lao động nhưng có số năm tham gia BHXH đã đủ theo quy định của Luật BHXH để nhận chế độ hưu trí. Vậy họ xin nghỉ việc, dừng đóng BHXH làm công việc khác để chờ đủ tuổi hưu, thì lương hưu có ảnh hưởng gì không?".
Về vấn đề này đại diện Phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh Bình Dương) cho biết: Tất nhiên là ảnh hưởng, bởi nếu đóng BHXH đủ 20 năm (đối với nam) và 15 năm (đối với nữ) thì tỷ lệ lương hưu chỉ là 45% mức lương tính làm căn cứ đóng BHXH. Thêm nữa, nếu còn tuổi lao động thì NLĐ nên tiếp tục duy trì tham gia BHXH để mỗi năm tham gia BHXH được tính thêm 2% lương hưu. Đó là chưa kể đến việc duy trì tham gia BHXH, NLĐ còn được cấp BHYT và hưởng nhiều chế độ khác như ốm đau, thai sản, TN-LĐBNN…
Để minh chứng cho vấn đề này, một bài toán so sánh giữa nhận BHXH 1 lần và chế độ hưu trí được BHXH tỉnh Bình Dương đưa ra: Nếu một NLĐ là nữ đủ 20 năm đóng BHXH, với mức tiền lương bình quân hàng tháng đóng BHXH là 4 triệu đồng, thì chế độ hưu trí sẽ nhận được như sau: Mức hưởng lương hưu (55%), tương đương 2,2 triệu đồng/tháng; tổng tiền lương hưu (240 tháng) bằng 528 triệu đồng; BHYT mức giá 972 ngàn đồng/tháng, tương đương 19.440.000 đồng; trợ cấp mai táng phí công với tử tuất là 24.600.000 đồng. Như vậy tổng số tiền nhận được là 572.040.000 đồng.
Trong khi đó, nếu nhận BHXH 1 lần thì được tính: 4 triệu đồng x (1,5 x 13 + 2 x 7)= 134.000.000 đồng. Chênh lệch 438.040.000 đồng.
Với bài toán hết sức đơn giản và dễ hiểu này, đại diện các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương tỏ ra rất tâm đắc. Chị Lê Thị Tâm, đại diện Phòng Nhân sự của một Công ty May mặc ở TP.Dĩ An cho biết: “Đây là bài toán hết sức thuyết phục, dễ hiểu, giúp NLĐ có những cân nhắc khi đưa ra quyết định nhận BHXH một lần”.
Lê Văn