Chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình các vấn đề ĐBQH nêu tại phiên thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Trong phần giải trình, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, Luật sửa đổi lần này cố gắng hài hòa, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT và cân đối quỹ BHYT.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của ĐBQH để hoàn thiện Dự thảo Luật. Đồng thời cho rằng, số lượng ý kiến phát biểu hôm nay đã một lần nữa khẳng định Dự thảo Luật khi ban hành sẽ giải quyết được những vướng mắc, giải quyết công tác KCB BHYT cho người dân một cách tốt nhất.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Nghị quyết số 20/NQ-TW năm 2017 đề ra mục tiêu đến năm 2030 có 95% người dân tham gia BHYT. Bên cạnh tăng cường số người tham gia BHYT, thì vấn đề nâng cao chất lượng công tác KCB cho người dân cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành Y tế, BHXH và các địa phương, nhằm đáp ứng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Thời gian qua, ngành Y tế cũng như các ngành liên quan đã tập trung triển khai mục tiêu này. Theo đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật, triển khai ứng dụng CNTT, tập trung CCHC cùng hàng loạt các biện pháp ngay tại cơ sở y tế (triển khai bộ tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người bệnh, triển khai các chương trình bệnh viện xanh- sạch- đẹp)... qua đó thể hiện quyết tâm KCB cho người dân một cách tốt nhất.
“Có thể chỗ này chỗ khác chưa đáp ứng mong muốn của người dân, nhưng thay mặt cơ quan quản lý nhà nước về BHYT, chúng tôi sẽ cùng cơ quan tổ chức thực hiện quyết tâm để ngày càng hoàn thiện hơn chính sách về chăm sóc BHYT cho người dân”- Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, có nhiều ý kiến cân nhắc đảm bảo tính hệ thống, vấn đề đảm bảo nguồn lực ngân sách, song quan trọng nhất là chữa bệnh cho người dân một cách kịp thời, hiệu quả, cũng như đáp ứng được các yêu cầu cân đối chung. Để có nguồn lực cho quỹ BHYT, chính sách BHYT có sự tham gia của NSNN, của người SDLĐ, NLĐ và bản thân người dân. Chính vì vậy, vấn đề hài hòa mục tiêu cân đối quỹ BHYT là bài toán rất lớn.
Về điều kiện chuyển người bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đây là một nội dung mới và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ làm thế nào đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân, đảm bảo sự ổn định, vững chắc của hệ thống y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở, thì việc đánh giá lợi ích cũng như những thách thức điều chỉnh chính sách này đã được đề cập tại báo cáo đánh giá tác động. Tuy nhiên, với các bệnh hiểm nghèo, các bệnh cần chuyên môn kỹ thuật cao và các bệnh tuyến chuyên sâu, thì chuyển tuyến đã được cân nhắc để vừa đáp ứng mục tiêu phục vụ cho người bệnh, nhưng cũng đảm bảo được hệ thống cân đối.
Liên quan tới vấn đề KCB từ xa, nội dung này cũng thể chế hóa các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó nêu điều kiện nào được KCB từ xa, các chuyên môn kỹ thuật như thế nào. Luật BHYT đi cùng để để đảm bảo khả năng thanh toán, cũng như nguồn lực để thực hiện cho công tác KCB từ xa. Đây cũng chính là một giải pháp hỗ trợ cho các tuyến y tế cơ sở có thể phát triển được.
Liên quan tới các quy định về liên thông kết quả xét nghiệm, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, đây là nội dung được đề cập trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện được nội dung này, cần rất nhiều các giải pháp đồng bộ để có cơ sở hạ tầng đồng bộ, mới đáp ứng được yêu cầu liên thông...
“Dự án Luật lần này điều chỉnh việc mua sắm thuốc giữa các BV cũng như Thông tư 22 của Bộ Y tế, khi cơ sở y tế không đảm bảo thuốc thì có cơ chế thanh toán. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, việc thanh toán do cơ sở KCB triển khai cùng cơ quan BHXH, để tránh phiền hà cho người dân khi thanh toán trực tiếp”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, đa số ĐBQH đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong chuẩn bị hồ sơ Dự án Luật; đồng thời kịp thời có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ của các ĐBQH.
Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng phát biểu sôi nổi, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, làm cơ sở để chỉnh lý hoàn thiện Dự thảo Luật- cả về nội dung quy định và về kỹ thuật lập pháp. Các ý kiến cơ bản thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát triển BHYT toàn dân, kịp thời khắc phục những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, bảo đảm sự thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật BHXH năm 2024.
Đặc biệt, các ĐBQH cũng đề cập đến nhiều vấn đề thực tiễn nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật, bảo đảm tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng, thuận tiện, nhanh chóng của người dân. Ủy ban TVQH sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các vị ĐBQH, khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật để có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 8.
Vũ Thu