Với nhận định giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần, nhiều tổ chức dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 được khống chế mức dưới 4%...
Với dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,3-3,6%, Tổng cục Thống kê đã chỉ ra một số yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam kiểm soát được lạm phát trong 9 tháng đầu năm.
Đó là chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước 9 tháng năm 2023 giảm 15,26% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,55 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm gas trong nước giảm 10,21% theo giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,15 điểm phần trăm. Đồng thời, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nhóm hàng có tác động lớn tới CPI, chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư, thường xuyên được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá do đó đã giúp cho kiềm chế tốc độ tăng của CPI. Đáng chú ý, những dịch vụ do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế đã được Chính phủ điều hành thận trọng trong thời gian qua. Giá điện sinh hoạt đã được EVN điều chỉnh từ ngày 4/5 sau nhiều năm không tăng giá nhưng chỉ điều chỉnh tăng 3% cho nên tác động không nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng.
Theo phân tích, trong các tháng cuối năm 2023, kiểm soát lạm phát trong nước cũng sẽ gặp thuận lợi khi lạm phát toàn cầu hạ nhiệt. Điều đó giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023. Dựa trên các phân tích tương đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng dự báo, lạm phát bình quân năm 2023 tăng ở mức 3,4%.
Phục vụ cho hoạt động điều hành giá cuối năm, Bộ Tài chính cũng vừa cập nhật 2 kịch bản lạm phát năm 2023. Kịch bản 1, dự báo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022 và kịch bản 2 ở mức cao hơn, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,6% so với năm 2022. Với các kịch bản này, Bộ Tài chính dự báo, CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2% - 3,6%.
Bộ Tài chính cho biết, cả nước đang ở trong điều kiện thuận lợi để đơn vị chức năng thực hiện việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường. Từ nay đến cuối năm 2023, cơ quan này cho rằng, việc quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động, mục tiêu hướng đến là kiểm soát được lạm phát bình quân cả năm 2023 và giảm áp lực, tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2024.
Trong những tháng còn lại của năm 2023, Bộ Tài chính cho rằng, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong việc rà soát các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường; đánh giá kỹ tác động đối với mặt bằng giá để có phương án điều chỉnh giá theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định lộ trình, thời điểm, mức độ phù hợp, đặc biệt là giá bán lẻ điện.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần có phương án giảm thiểu những tác động tiêu cực từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu đối với người nghèo và những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Đối với các mặt hàng quan trọng thiết yếu khác, địa phương chủ động quản lý theo thẩm quyền, theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả thị trường để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024.
Thái An