Chiều 31/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Đồng tình với Báo cáo của Chính phủ, ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho biết, bước vào năm 2023, mặc dù đã chủ động dự báo nhưng tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới nước ta. Vượt lên khó khăn, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực như tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách có khả năng vượt mục tiêu đề ra…
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội
Đồng thời, ĐB cũng nêu ra một số khó khăn, thách thức như 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu vẫn trong tình trạng phát triển chậm; áp lực giải ngân vốn đầu tư công chậm… Tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống nhân dân. “Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm cải thiện, tăng năng suất lao động, là con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững”- ĐB Phương đề nghị.
Đánh giá cao kết quả đạt được trong 9 tháng năm 2023, nhưng vẫn còn 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu này, ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) lo ngại tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn trước. Vì vậy, Chính phủ đánh giá bổ sung 3 nguyên nhân nêu tại Báo cáo số 577 của Chính phủ, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.
Về giải pháp trong thời gian tới, theo ĐB Phạm Trọng Nghĩa, tại Kỳ họp này, Chính phủ đã báo cáo việc thực hiện các kế hoạch, chương trình 5 năm gửi đến Quốc hội, trong đó đề xuất 52 nhóm giải pháp và nhiệm vụ. Do đó, phải rà soát kỹ để bảo đảm tính liên thông, kết nối và tương hỗ trong các báo cáo, nhất là về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cũng như các giải pháp và nhiệm vụ.
ĐB Phạm Trọng Nghĩa tham gia thảo luận
Trên sơ sở rà soát, đề nghị Chính phủ xác định những giải pháp nào là trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá để tập trung thực hiện, không dàn trải và bảo đảm tính khả thi cao. Trong đó, đề nghị quan tâm đến 3 nhóm giải pháp: Tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa: tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và DN; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng Tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho NLĐ bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.
Ngoài ra, ĐB Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho NLĐ trong khu vực tư từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ năm 1999). Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.
Còn ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) khẳng định, cử tri hoàn toàn ủng hộ Chính phủ trong CCHC gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được chỉ rõ trong báo cáo trình kỳ họp.
Nhằm đề xuất giải pháp phát triển đất nước, qua nghiên cứu và lắng nghe ý kiến cử tri, Chính phủ phải có kế hoạch và danh mục chi tiết, tập trung hoàn thiện thể chế cho lĩnh vực đầu tư công; đồng thời cần nghiên cứu phân cấp mạnh hơn và ban hành kịp thời các tiêu chuẩn, định mức liên quan đến đầu tư công để địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo khắc phục cho được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
“Cần có cơ chế chi trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài đối với những loại có trong danh mục được thanh toán BHYT. Thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do lỗi của người dân, mà do cơ quan nhà nước. Do đó, nhân dân cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng này”- ĐB Xuân đề nghị.
Vũ Thu