Ngày 27/10, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức chương trình tập huấn công tác truyền thông trong lĩnh vực người khuyết tật (NKT) năm 2023.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và xã hội luôn quan tâm công tác NKT, ban hành, triển khai nhiều chủ trương chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vài trò NKT, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.
Công tác NKT đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp với NKT được nâng cao, NKT ngày càng tự tin, thuận lợi hơn hòa nhập đời sống xã hội. Các cơ quan Nhà nước triển khai nhiều hoạt động giúp NKT phát huy năng lực của họ, nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên NKT phát huy, đóng góp cho xã hội… Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với NKT. Đời sống một bộ phận không nhỏ NKT còn khó khăn, nhất là NKT nặng. Nhiều hạn chế đối với NKT vẫn còn tồn tại như: Tiếp cận chính sách của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng, điều chỉnh trợ cấp xã hội còn chậm… Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với NKT vẫn còn.
Phát biểu tại tập huấn, bà Đinh Thị Thụy- Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Quốc gia về NKT Việt Nam cho biết, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ ban ngành đã ban hành rất nhiều Luật, Nghị định, Quyết định, Kế hoạch, Thông tư… về NKT nhằm tạo điều kiện thuận lợi để NKT tiếp cận các chính sách về giáo dục, văn hóa, việc làm, du lịch… tạo cơ hội bình đẳng, giúp NKT khắc phục khó khăn, vươn lên sống độc lập, hòa nhập xã hội, góp phần chung vào phát triển kinh tế xã hội và giúp đỡ NKT khác. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, xã hội hóa hoạt động trợ giúp NKT, các cơ quan ban ngành, đoàn thể cần nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo, giúp đỡ NKT và các tổ chức của NKT, vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ, có cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của tổ chức ngoài nước đầu tư cho các mô hình chăm sóc NKT. “Trên cơ sở đó, báo chí, truyền thông cần tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho NKT bằng hình thức phù hợp”- bà Thụy khẳng định.
Cũng theo bà Đinh Thị Thuỵ, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu NKT, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Trong số này, có hơn 1,6 triệu NKT nặng và rất nặng đã được cấp thẻ BHYT, đạt 100%. Còn với những NKT nhẹ, tuỳ theo địa phương, có nơi đã triển khai cấp cho đối tượng này. Các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng; 20 tỉnh, thành phố thành lập được trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật không đến được trường lớp bình thường, đã thống nhất được ngôn ngữ kí hiệu và chữ nổi Brail trong toàn quốc. “Hàng năm, có khoảng 19.000 NKT được dạy nghề tạo việc làm; giới thiệu việc làm cho khoảng hơn 20.000 lượt NKT với tỷ lệ thành công đạt trên 50%, khoảng gần 40.000 NKT được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi. Trong những năm qua, nhờ công tác truyền thông được đẩy mạnh nên những phân biệt, đối xử với NKT đã giảm nhiều. Mặc dù vậy, việc tiếp cận với NKT với các công trình xây dựng vẫn khó khăn, bên cạnh đó là vấn đề việc làm”- bà Thuỵ cho biết.
Liên quan đến công tác truyền thông trong lĩnh vực NKT trên báo chí thời gian qua và định hướng thời gian tới, bà Nguyễn Vĩnh Quyên- Phó Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội đã có chia sẻ về nội dung này. Theo bà Quyên, Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của xã hội đối với vấn đề NKT và có tác động tích cực đến quá trình hòa nhập của họ. Hình thức và nội dung mà các phương tiện truyền thông tuyên truyền làm cho xã hội hiểu rõ hơn những khó khăn trong thực tế mà NKT phải đối mặt, từ đó làm thay đổi suy nghĩ, định kiến và cách hành xử gây ảnh hưởng không tốt cho NKT, đồng thời nhận thức đúng đắn về khả năng, đóng góp của NKT cho xã hội.
Với hoạt động báo chí nói riêng, theo bà Quyên, báo chí góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về NKT. Báo chí tham gia biểu dương những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, gương điển hình của NKT. Không chỉ phản ánh, nêu gương, báo chí còn phát hiện và phê phán những yếu kém, bất cập trong quá trình hòa nhập của NKT. Nhìn chung, báo chí là diễn đàn về các sáng kiến, cơ hội, lộ trình tham gia hòa nhập của NKT, đồng thời giới thiệu các mô hình, phương hướng hỗ trợ NKT hiệu quả, thông qua đó, đóng góp tiếng nói lớn chuyển tải đến cộng đồng thông tin về NKT, giúp cộng đồng có cách nhìn nhận tích cực hơn.
Tuy nhiên, hiện nay, truyền thông về NKT còn những hạn chế nhất định như: xu hướng truyền tô đậm thêm hoàn cảnh hoặc đề cao NKT quá mức. Điều này có thể đã và sẽ củng cố thêm những định kiến vốn có về NKT. Do vậy, để có những bài báo hiệu quả, nên bắt đầu bằng việc thay đổi những suy nghĩ đã ăn sâu vào công chúng rằng NKT vô dụng và không có năng lực. Điều quan trọng, cần làm rõ nguồn gốc vấn đề NKT không thể đóng góp cho cộng đồng không phải là do những khiếm khuyết trên cơ thể họ mà bởi nhiều trường hợp chưa được tạo điều kiện để phát triển hết năng lực của mình. “Trên cơ sở đó, khi tuyên truyền về NKT, cần phản ánh đúng sự thật, không bi kịch quá, không đề cao quá NKT là những người yếu thế trong xã hội. Tiếp cận thông tin dựa trên quyền con người, tôn trọng sự đa dạng, loại trừ định kiến, kỳ thị. Tuân thủ nguyên tắc đạo đức và an toàn, đa chiều và công bằng, kết hợp việc sử dụng ngôn ngữ chọn lọc, chuẩn xác theo quy định của pháp luật và mang tính phổ thông nhất”- bà Quyên nhấn mạnh.
V.Thu