Sáng 24/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024; tình hình thực hiện NSNN năm 2023, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024...
Kinh tế- xã hội có xu hướng phục hồi tích cực
Theo Báo cáo của Chính phủ, Việt Nam bước vào thực hiện kế hoạch năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức chồng chất. Tình hình khu vực, thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, cạnh tranh, xung đột ngày càng gay gắt hơn; tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại; lạm phát vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt; tiêu dùng, thương mại, đầu tư suy yếu… Công tác điều hành trong nước chịu áp lực lớn; vừa phải tập trung chống chịu, thích ứng với diễn biến bất lợi, tranh thủ cơ hội, thời cơ từ bên ngoài; vừa phải xử lý, tháo gỡ những vấn đề tồn đọng, tích tụ của DN, dự án đầu tư, những bất cập, vướng mắc của thị trường bất động sản, trái phiếu DN, mua sắm thuốc, vật tư y tế, hệ thống đăng kiểm… cũng như ứng phó các vấn đề phát sinh về hỗ trợ NLĐ, phòng chống thiên tai, bão lũ, hạn hán; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới trong trung và dài hạn của nền kinh tế.
Qua thảo luận, các ĐBQH cơ bản đồng tình với nội dung của các Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và cho rằng, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, NSNN năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước, khu vực và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, DN, kinh tế- xã hội và NSNN 9 tháng đầu năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Ước hết năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát để kiểm soát, các cẩn đổi lớn của nền kinh tế đc đảm bảo.
Theo ĐB Trần Văn Tiến- Đoàn Vĩnh Phúc, 9 tháng đầu năm tình hình kinh tế có xu hướng phục hồi tích cực, các mục tiêu tổng quát cơ bản đạt được, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; an ninh quốc phòng để củng cố, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế- xã hội và NSNN 9 tháng đầu năm và ước thực hiện năm 2023 còn bộc lộ nhiều hạn chế cần tiếp tục khắc phục: Còn 5 chi tiêu khó đạt hoặc không đạt mục tiêu, trong đó phần lớn là các chi tiêu quan trọng như: tăng trưởng kinh tế, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, tốc độ tăng năng suất lao động. Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước nhưng ở mức thấp, 9 tháng tăng trưởng đạt 4,24% nhưng thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn kịch bản Chính phủ xây dựng; lạm phát cơ bản tăng cao hơn so với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng; nhiều khoản thu NSNN không đạt dự toán; việc triển khai thực hiện 1 số chương trình quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia còn chậm, còn nhiều điểm nghẽn vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư công tuy cao hơ so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt thấp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, số DN có xu hướng rời khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ; số DN tham gia thị trường tăng nhưng số vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ; tăng trưởng tín dụng đạt mức thấp...
Cùng chung nhận định, ĐB Dương Văn Phước- Đoàn Quảng Nam cho rằng, 5 chi tiêu khó đạt hoặc không đạt mục tiêu, trong đó phần lớn là các chi tiêu quan trọng như chỉ tiêu tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, tốc độ tăng năng suất lao động… Đây là những chỉ tiêu phản ánh chất lượng của nền kinh tế, chất lượng tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt đây là chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển bền vững… Đối với những tồn tại nhiều năm chưa khắc phục được, bên cạnh những yếu tố khách quan, Chính phủ cần phải rút ra bài học kinh nghiệm để khắc phục được những hạn chế này trong giai đọan tới. Đồng thời, Chính phủ cần phải đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực để có thể triển khai thực hiện hoàn thành được, ít nhất để các chỉ tiêu này đạt ở mức độ cao nhất có thể, đảm bảo sức cạnh tranh của nền kinh tế trong những năm sắp tới.
Quan tâm đến đời sống người dân, NLĐ
Thảo luận tại tổ ĐB Đinh Ngọc Quý- Đoàn Gia Lai bày tỏ trăn trở về việc làm sao tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để đất nước phát triển, kinh tế- xã hội, đời sống của nhân dân, NLĐ được nâng lên. Qua tiếp xúc cử tri và đi khảo sát thực tế ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS có thể thấy vẫn còn những điều người dân và cử tri băn khoăn. Đó là, đời sống của người nghèo, của một bộ phận đồng bào DTTS, vùng sâu vẫn khó khăn trong khi việc triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia còn không ít vướng mắc. “Để đạt được mục tiêu này thì hệ thống luật pháp, chính sách phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển, củng cố lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực tháo gỡ, Quốc hội đã chủ động, tích cực giám sát, đồng hành, thúc đẩy việc triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia nhưng để đạt hiệu quả thực sự đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn nữa từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền cơ sở và cả người dân. Do đó, Quốc hội cần có những quyết sách phù hợp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để thực sự thúc đẩy được việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cả về tiến độ và chất lượng, hiệu quả của từng chương trình, từng dự án, hạng mục thành phần, từ đó hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho sự phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương và nâng cao đời sống của người dân”- ĐB Quý đề nghị.
Đề cập đến vấn đề cải cách tiền lương trong phiên thảo luận sáng nay, ĐB Đào Ngọc Dung- Đoàn Thanh Hóa cho biết, tháng 5/2018, Trung ương thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và NLĐ trong doanh nghiệp là một quyết định rất đúng. Tuy nhiên, 6 năm qua, việc thực hiện nghị quyết chưa được nhiều, mỗi năm điều chỉnh lương 7% nhưng “thực ra là bù vào trượt giá, chưa phải cải cách tiền lương. Vì vậy, thời điểm này đã chín muồi, không cải cách không được; đầu tư cho cải cách tiền lương là đầu tư cho phát triển. Không thể khác, điều kiện đã đủ rồi. Đã 3 lần lỡ hẹn với cán bộ, công chức, viên chức”- ĐB Dung nói.
ĐB Đào Ngọc Dung dẫn chứng, mức lương của một kỹ sư ra trường là 3,5 triệu đồng- thấp hơn mức thấp của tối thiểu vùng (4 triệu đồng), tiếp nhận tài năng với bậc lương 2,67 nhân với 1,8 triệu đồng thì sống làm sao. Chúng ta đặt vấn đề lương đảm bảo cuộc sống của họ và gia đình họ, có được không. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương và Quốc hội ủng hộ việc thực hiện này. “Đi cùng với cải cách tiền lương khu vực công thì phải cải cách tiền lương khu vực DN nhà nước cũng như điều chỉnh phù hợp lương với đối tượng hưu trí và các đối tượng khác. Với khu vực công, quan trọng nhất là xoá bỏ mức lương cơ sở- đây là cái gốc, trả lương theo vị trí việc làm, ban hành 5 thang bảng lương. Với khu vực doanh nghiệp nhà nước, hiện có tình trạng doanh nghiệp thua lỗ, công nhân không có thu nhập nhưng người quản lý lương rất cao vì họ ăn bảng lương hoàn toàn khác với NLĐ. Do đó, cũng phải cải cách lương ở khu vực này với các nội dung: Người quản lý ăn lương cùng lao động, khi lợi nhuận cao thì cả hai hưởng cao; tách hoàn toàn người quản lý với người giám sát vì “ở các nước, người quản lý sợ ông giám sát nhưng ta thì ngược lại, ông giám sát sợ ông chủ vì ông chủ trả lương; Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương, doanh nghiệp hoàn toàn ban hành, khi đó Nhà nước đưa ra mức lương tối thiểu cho NLĐ; một nội dung nữa chưa được đề cập và “nếu không nói, Quốc hội không cho ý kiến thì Chính phủ không làm được” là tiền lương của người nghỉ hưu, bảo trợ thế nào, nếu không tính toán đồng bộ sẽ bỏ rơi đối tượng này. Từ 1/7/2024 bỏ lương cơ sở thì người nghỉ hưu giải quyết thế nào, có được cải cách tiền lương hay không, nếu có thì mức bao nhiêu? Không nâng thì vô hình trung để họ tụt lại phía sau, càng xa hơn mức sống đời tường”- ĐB Dung phân tích.
V.Thu