Ở tỉnh Bình Phước, đời sống kinh tế của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, khiến công tác phát triển người tham gia BHYT càng thêm khó. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phần lớn đồng bào DTTS nơi đây đã được tiếp cận với chính sách BHYT.
An sinh cho đồng bào
Ông Văn Công Danh- Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) cho biết, Bù Đốp là huyện biên giới, tỷ lệ đồng bào DTTS cao, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nên việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHYT gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93% dân số.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT
“UBND tỉnh Bình Phước giao năm 2024 huyện Bù Đốp phải đạt 94% dân số tham gia BHYT. Vì vậy, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai và chương trình kiểm tra, giám sát, đôn đốc đối với các địa phương, đơn vị liên quan. Theo đó, mỗi quý, UBND huyện tổ chức họp đánh giá kết quả, theo dõi số liệu và đưa ra giải pháp kịp thời. Bên cạnh đó, kêu gọi các nhà hảo tâm, DN hỗ trợ mua BHYT tặng cho người dân, hộ DTTS khó khăn. Ngoài ra, huyện chỉ đạo TTYT huyện nâng cao chất lượng KCB”- ông Danh cho biết.
Còn theo ông Lý Thanh Sang- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành (huyện Bù Đốp), bước sang năm 2024, dù đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng xã chỉ đạt 87% dân số tham gia BHYT, chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Nguyên nhân là do nền kinh tế chưa phục hồi sau đại dịch COVID-19; vẫn còn tư tưởng trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; người dân chưa hiểu rõ về quyền và lợi ích khi tham gia BHYT. Nhưng xã Tân Thành đang quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, phấn đấu đạt 94% dân số tham gia BHYT vào cuối năm 2024.
Trong khi đó, ở xã Tân Hưng (huyện Đồng Phú), để đem chính sách BHYT đến với đồng bào DTTS, các cấp chính quyền đã tổ chức mô hình “Đồng bào DTTS với BHYT”. Mô hình này huy động các nguồn lực xã hội hóa, tiến đến BHYT toàn dân. Ban chủ nhiệm mô hình phối hợp với chi bộ, ban ấp tổ chức rà soát đánh giá thực trạng người dân tham gia BHYT trên địa bàn ấp; vận động nhân dân tham gia BHYT; vận động và trao tặng thẻ BHYT cho hộ đồng bào DTTS khó khăn.
Bà Thiều Thị Thảo- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Hưng, Chủ nhiệm mô hình cho biết, mục đích của mô hình này là giúp đồng bào DTTS, trong đó ưu tiên hàng đầu là trẻ em mồ côi, hộ người già neo đơn và các đối tượng hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHYT…
Bà Hoàng Thị Minh Thuyết, dân tộc Tày hài lòng chia sẻ: “Các ban, ngành, đoàn thể địa phương luôn có nhiều cách thức chăm lo sức khỏe cho người dân. Bản thân tôi từng được tặng thẻ BHYT, nên năm 2023 bị tai nạn gãy tay tôi đã được quỹ BHYT chi trả phần lớn. Thực sự, BHYT đã giúp ích cho tôi và gia đình thoát khỏi bẫy nghèo”.
Được biết, hiện nay rất nhiều nhà hảo tâm vẫn đang tiếp tục ủng hộ quỹ để mua thẻ BHYT tặng đồng bào DTTS.
Tặng thẻ BHYT cho người nghèo
Ngay khi Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực, khoảng 10% dân số của tỉnh Bình Phước bị cắt giảm thẻ BHYT. Điều này đã tác động rất lớn tới việc thụ hưởng quyền lợi BHYT của người dân cũng như mục tiêu BHYT toàn dân của tỉnh. Cũng chính từ khó khăn này, tinh thần đoàn kết đã tiếp tục được phát huy từ chính quyền đến người dân ở tỉnh Bình Phước, nhằm chăm lo sức khỏe cho đồng bào DTTS thông qua chính sách BHYT.
Quyền lợi của người tham gia BHYT tại Bình Phước được đảm bảo
Theo ông Nguyễn Văn Ánh- Giám đốc BHXH huyện Bù Đăng, khi thực hiện Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, hàng chục nghìn người dân trong huyện không còn được hưởng ngân sách Trung ương hỗ trợ đóng BHYT. Tuy nhiên, thời gian qua, từ việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ…, số người tham gia BHYT của huyện đã dần khôi phục trở lại, tăng lên 90% dân số. Đáng nói, riêng xã Đường 10 hiện đạt 100% hộ gia đình có thẻ BHYT. “Bước sang năm 2024, việc phát triển BHYT vẫn là ưu tiên của BHXH Bình Phước nói chung và BHXH huyện Bù Đăng nói riêng, bởi chúng tôi cho rằng, đây là vấn đề sức khoẻ của người dân. Khi người dân có sức khoẻ sẽ yên tâm lao động, cống hiến và ổn định đời sống, giữ vững an sinh”- ông Ánh nói.
Ông Lê Xuân Cao- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Phước cho biết, với những xã người dân không còn được hưởng chính sách hỗ trợ cấp thẻ BHYT, thì việc duy trì và nâng cao tỉ lệ bao phủ BHYT đòi hỏi phải có các giải pháp linh hoạt như tăng cường huy động các nguồn lực ngoài NSNN, vận động sự tài trợ của DN có tiềm lực để hỗ trợ đống BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, cần phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, CCVC, NLĐ hỗ trợ người thân tham gia BHYT. Thời gian qua, BHXH tỉnh Bình Phước đã vận động các cá nhân, nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ hàng tỉ đồng để trao tặng thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Có mặt trong buổi trao tặng thẻ BHYT cho người DTTS của huyện Bù Đăng, chị Vững (39 tuổi, người dân tộc S'tiêng) không khỏi xúc động khi được nhận tấm thẻ BHYT. Chị chia sẻ, từ nay không phải lo lắng về tiền viện phí mỗi khi con ốm đau phải vào BV. Trước đây gia đình chị Vững thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí, nhưng do chính sách thay đổi, nên năm nay gia đình phải tự mua thẻ và được hỗ trợ một phần.
Thực hiện chính sách mới, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hoàng (xã Đường 10, huyện Bù Đăng) không còn được cấp thẻ BHYT nữa. Nhiều lúc vợ chồng Hoàng anh cũng hoang mang, lo lắng về sức khoẻ, nhưng do thu nhập eo hẹp, hằng ngày ăn còn chưa đủ, nên không dám nghĩ đến việc mua thẻ BHYT. Giữa lúc đó, gia đình anh Hoàng đã được BHXH huyện hỗ trợ thẻ BHYT để phòng khi ốm đau, bệnh tật. Anh Hoàng không khỏi xúc động: “Thật cảm ơn BHXH tỉnh Bình Phước, các cấp chính quyền cũng như các đơn vị DN, nhà hảo tâm đã quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ một cách thiết thực bằng việc hỗ trợ cho chúng tôi có được “tấm khiên” bảo vệ sức khỏe trước mọi rủi ro- tấm thẻ BHYT. Chúng tôi sẽ cố gắng làm ăn, chắt chiu dành dụm vươn lên để tự mua được thẻ BHYT hằng năm bằng chính sức của mình”.
Lê Văn