Ngày 22/11/2023, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường dẫn đầu Đoàn công tác thực hiện hoạt động giám sát tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại TP.HCM.
Cùng tham gia Đoàn công tác có đại diện Bộ LĐ-TB và XH, Bộ Y tế và đại diện Lãnh đạo các Vụ, ban thuộc BHXH Việt Nam gồm: Ban Thực hiện chính sách BHXH; Ban Thực hiện chính sách BHYT; Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ; Trung tâm Truyền thông; Trung tâm CNTT; Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến, Vụ Thanh tra-Kiểm tra...
Theo kế hoạch, sáng ngày 22/11/2023, Đoàn công tác làm việc cùng BHXH TP.HCM. Chiều cùng ngày, thực tế khảo sát, nắm tình hình giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, ốm đau, thai sản… cho NLĐ tại DN trên địa bàn TP.HCM. Sáng ngày mai (23/11/2023), Đoàn công tác sẽ thực tế khảo sát hoạt động KCB BHYT; ứng dụng CNTT trong công tác KCB BHYT; tình hình sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT tại cơ sở KCB trên địa bàn TP.HCM.
Tại buổi làm việc cùng BHXH TP.HCM, gồm cả Bưu điện Thành phố, Trưởng Đoàn công tác và các thành viên lắng nghe tóm tắt tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Theo đó, TP.HCM hiện có gần 122 nghìn đơn vị, tổ chức, DN tham gia BHXH, BHYT (trong đó có 105.929 DN) với hơn 2,5 triệu người tham gia BHXH; gần 8 triệu người tham gia BHYT. Bình quân số chi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp hằng tháng xấp xỉ 5 nghìn tỷ đồng.
Theo ông Lò Quân Hiệp- Giám đốc BHXH TP.HCM, biến thiên lao động diễn ra liên tục với con số rất lớn, mỗi năm xấp xỉ 3 triệu lao động tăng-giảm tại các DN. Bên cạnh đó, số thu, số chi cũng lớn nhất cả nước nên khối lượng công việc mà BHXH Thành phố phải xử lý cũng tăng cao, áp lực công việc thường nhật đối lớn. Dù vậy, tập thể BHXH TP.HCM vẫn vượt khó mỗi ngày để hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, với những khó khăn phát sinh do tính đặc thù của địa bàn, Ban Giám đốc BHXH TP.HCM nêu một số hạn chế, vướng mắc, đồng thời đề xuất Đoàn công tác ghi nhận, phản ảnh đến các cơ quan cấp cao hơn để sớm có hướng giải quyết. Những vấn đề thiên về nghiệp vụ, kỹ thuật liên quan đến quản lý Quỹ BHYT; giải quyết chế độ, chính sách ngắn hạn cho người tham gia BHXH; truyền thông chính sách BHXH, BHYT... cũng được đề cập từ phía BHXH TP.HCM, các thành viên đoàn công tác- căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao- hồi đáp, giải thích tại chỗ từng vấn đề.
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường đánh giá các kết quả đạt được 10 tháng qua tại TP.HCM là rất tích cực. Tuy nhiên, so với dư địa thì công tác BHXH, BHYT hoàn toàn có thể đạt thành tích cao hơn nữa. Do đó, trong thời gian tới, ông Cường đã gợi mở một số vấn đề để BHXH TP.HCM tăng cường thực hiện như chủ động tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND hỗ trợ người yếu thế tham gia BHXH, BHYT tự đóng, theo phương thức dài hạn. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để bảo vệ quyền lợi NLĐ và góp phần đốc thu, giảm nợ BHXH. Đẩy mạnh truyền thông số về chính sách BHXH, BHYT... đến với Nhân dân, NLĐ.
Đặc biệt, tiếp tục quản lý hiệu quả hơn nữa Quỹ BHYT. Trong khi trung bình cả nước mỗi người có 1,5 lượt KCB BHYT/năm, thì ở TP.HCM là 2 lượt KCB BHYT/năm/người. Do đó, ông Cường đề nghị cơ quan BHXH lưu ý vấn đề chuyển tuyến. Ngoài ra, cần đôn đốc các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn xây dựng bộ tiêu chí tiếp nhận điều trị nội trú mà Bộ Y tế đã đề nghị trước đó và tăng cường phối kết hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát việc sử dụng Quỹ BHYT...
Thanh Giang