Ngày 21/11, tại Sơn La, Ban Tuyên giáo Trung ương, BHXH Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và BHXH tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng về thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Văn Tiến Bằng- Phó Giám đốc Trung tâm công tác Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, trong những năm qua, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định cuộc sống cho người lao động và nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tiếp tục được hoàn thiện, số người tham gia BHXH, BHYT tiếp tục tăng trưởng mạnh qua các năm.
Để đạt được những kết quả trên, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở đóng vai trò quan trọng. Theo đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo các cấp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Công tác tuyên truyền những năm qua cũng đã có nhiều cải tiến cả về nội dung và hình thức, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT.
“Từ thực tiễn hoạt động của mình, đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở đã tích cực nắm bắt, phản ánh nguyện vọng, dự báo tác động của chính sách đến quyền lợi, tâm lý của NLĐ, người SDLĐ với cấp ủy, chính quyền, góp phần hiệu quả cho quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo hướng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và NLĐ”- ông Văn Tiến Bằng nhấn mạnh.
Trình bày tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều giải pháp, kinh nghiệm tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT của đơn vị mình. Trong đó, BHXH tỉnh Sơn La cho biết, từ đầu năm đến nay, đã phối hợp với các Tổ chức dịch vụ thu, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức gần 500 hội nghị truyền thông trực tiếp tại các tổ, bản, tiểu khu, trên địa bàn tỉnh với trên 15.000 người dự. Đặc biệt, đối với những nơi không tổ chức được hội nghị đã triển khai thành lập tổ xung kích tuyên truyền theo nhóm nhỏ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.
Song song với các hình thức trên, công tác tuyên truyền trên mạng xã hội cũng được BHXH tỉnh đẩy mạnh. Cụ thể, đã thành lập hai kênh Fanpage và Zalo để tuyên truyền góp phần giúp người dân tiếp cận thông tin về chính sách BHXH, BHYT một cách dễ dàng và nhanh chóng. Trong 10 tháng đầu năm 2023, đã đăng được gần 1.000 tin, bài, video về chính sách BHXH, BHYT trên trang Fanpage, Oazalo của Ngành với 6.786 lượt chia sẻ các sản phẩm truyền thông trên Facebook, Zalo của công chức viên chức, NLĐ trong đơn vị…
Trong khi đó, với trách nhiệm của mình, Sở Y tế tỉnh Sơn La cũng chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT như: các BV thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo BV với đại diện gia đình bệnh nhân; tuyên truyền trực quan qua băng rôn, khẩu hiệu tại cơ sở KCB. Đồng thời, ngành y tế đã áp dụng hình thức tuyên truyền, vận động thuyết phục nhân dân gắn với tuyên truyền về xây dựng và phát triển đời sống văn hóa ở khu dân cư; phát huy vai trò của trưởng thôn, trưởng bản và đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, y tế xã trong công tác tuyên truyền miệng về BHYT gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao kỹ năng cho tuyên truyền viên
Bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, đại biểu tham dự Hội thảo cũng thừa nhận rằng, công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm thỏa đáng đến chính sách BHXH, BHYT; nội dung tuyên truyền và đặc biệt là kỹ năng tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng về lĩnh vực này vẫn còn một số hạn chế; nội dung tuyên truyền chưa toát lên lý lẽ để người dân dễ hiểu về tầm quan trọng và ý nghĩa của BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, không ít người dân có tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào xã hội, không thấy trách nhiệm tham gia của mình đối với xã hội. Mặt khác, tâm lý chủ quan cũng rất phổ biến, luôn nghĩ rằng bệnh tật khó đến với mình, tuổi già còn xa mới tới và đặc biệt là tâm lý lúc nào ốm đau mới lo. “Nếu trong mỗi người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, ỷ lại, không nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của BHXH, BHYT sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt không chỉ cho mỗi cá nhân mà còn ảnh hưởng đến an sinh xã hội của cả cộng đồng và quốc gia”- đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định.
Trước thực trạng trên, ông Đinh Thanh Tùng- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Sơn La cho rằng, thời gian tới cần phải phát huy được sức mạnh tập thể trong ngành BHXH, mỗi viên chức BHXH phải là một tuyên truyền viên và phải coi công tác BHXH, BHYT không chỉ là nhiệm vụ mà còn là nghĩa vụ công dân, coi đó, như là việc của gia đình mình, vì BHXH, BHYT có một ý nghĩa to lớn, nó góp phần quan trọng vào cuộc sống và hạnh phúc của mỗi người, mỗi nhà, là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội.
Ngoài ra, trách nhiệm của Đảng ủy, UBND xã là rất quan trọng, đặc biệt là uy tín của già làng, trưởng bản, người đứng đầu dòng họ, họ là người phát biểu đầu tiên, tin tưởng vào chính sách sẽ mang đến những điều tốt đẹp, những lợi ích thiết thực cho người dân. “Tiêu biểu như một số hội nghị tuyên truyền tại xã vùng III Mường Khiêng, cách trung tâm huyện Thuận Châu hơn 30km, thu hút 123 người tham gia có tới 103 người tham gia ngay tại hội nghị. Xã ngay cạnh là Bó Mười có 67 người tham dự cũng có 56 người tham gia… Các địa bàn này đều khó khăn, nhưng kết quả trên cả mong đợi”- ông Đinh Thanh Tùng chia sẻ.
Để công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đạt hiệu quả, nhiều ý kiến, đề xuất cũng được đưa ra tại hội thảo như: Tăng cường tổ chức hội nghị tập huấn bài bản, chuyên nghiệp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên, phóng viên song song với việc tổ chức linh hoạt các hình thức tập huấn khác cho đối tượng là tuyên truyền viên như: Bí thư bản, xóm, trưởng các đoàn thể ở cấp xã, chủ SDLĐ, doanh nhân… Cải tiến nội dung tập huấn theo hướng vừa cung cấp hệ thống kiến thức về an sinh xã hội, BHXH, BHYT; vừa cung cấp kỹ năng tác nghiệp tình huống cụ thể trong công tác tuyên truyền về lĩnh vực này.
Tiếp tục đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, bảo đảm tính phong phú, đa dạng, phù hợp. Trong đó, phát huy lợi thế loại hình tuyên truyền miệng như nói chuyện chuyên đề, nói chuyện thời sự, đối thoại chính sách; thông qua đài truyền thanh cơ sở, tủ sách pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để chia sẻ các thông tin chính thống tuyên truyền về BHXH, BHYT…
Thanh Hằng