UBND TP.Huế (Thừa Thiên Huế) vừa ban hành văn bản yêu cầu các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường thực hiện các nội dung nhằm góp phần phòng ngừa, chấn chỉnh, giải quyết tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, TP.Huế yêu cầu các phòng, ban, đơn vị liên quan, UBND các xã, phường phối hợp với BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; chú trọng thanh kiểm tra các đơn vị có dấu hiện vi phạm trong việc thu đóng, giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thanh kiểm tra liên ngành việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhất là thanh kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT tại các cơ sở KCB BHYT; xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHYT.
Đồng thời, UBND TP.Huế chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan, UBND các xã, phường phối hợp với cơ quan BHXH đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; định hướng các cơ quan báo chí địa phương chủ động tuyên truyền đưa tin cảnh báo đến người dân, NLĐ về hành vi thu mua sổ BHXH và kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm.
Theo BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2023, toàn tỉnh gia tăng nhiều đơn vị SDLĐ nợ BHXH với số tiền lớn nên cơ quan BHXH tăng cường và chú trọng công tác thanh, kiểm tra nhằm đốc thu, giảm nợ và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Đến nay, BHXH tỉnh đã tổ chức thanh tra chuyên ngành tại 100 đơn vị SDLĐ; thanh tra liên ngành tại 12 đơn vị SDLĐ và thanh tra đột xuất tại 67 đơn vị SDLĐ; tổ chức kiểm tra tại 15 đơn vị SDLĐ; 2 tổ chức dịch vụ thu; 4 đơn vị nội bộ; 4 cơ sở KCB BHYT và kiểm tra đột xuất đối với 1 cơ sở KCB BHYT. Thông qua công tác thanh, kiểm tra, cơ quan BHXH đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 đơn vị; cưỡng chế 3 đơn vị; lập tờ trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt đối với 1 đơn vị và quyết định cưỡng chế đối với 4 đơn vị. Qua thanh, kiểm tra đã kiến nghị truy thu đối với 643 NLĐ thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa đóng, đóng thiếu thời gian, thiếu mức quy định với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về quỹ BHXH số tiền gần 105 triệu đồng do thanh toán chế độ BHXH ngắn hạn không đúng quy định đối với 483 lượt người. Đồng thời, đã đôn đốc các đơn vị chậm đóng chuyển nộp 16 tỷ đồng và kiến nghị thu hồi về quỹ BHYT hơn 1,2 tỷ đồng đồng do cơ sở KCB BHYT chi sai quy định.
Là DN sản xuất hàng dệt may xuất khẩu đóng tại KCN Phú Bài, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Công ty CP May mặc Xuất khẩu Impulse Fashion Tae Hee đã ổn định sản xuất, giải quyết việc làm cho gần 600 lao động. Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, đơn vị luôn nhận thức việc tham gia BHXH cho NLĐ là vấn đề quan trọng bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua công ty gặp một số khó khăn về đơn hàng nên đã nợ 3 tháng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với tổng số tiền nợ gần 2,7 tỷ đồng. Trước thực trạng đó, giữa tháng 9/2023, BHXH tỉnh ra quyết định thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với đơn vị. Sau khi cơ quan BHXH ra quyết định thanh tra, DN đã chuyển trả đủ số tiền nợ gần 2,7 tỷ đồng, đồng thời cam kết sẽ trả số tiền BHXH các tháng tới nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ cũng như tuân thủ các quy định của cơ quan BHXH…
Cũng liên quan đến vấn đề nợ đọng BHXH trên địa bàn, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Thừa Thiên Huế) khẳng định, đóng BHXH chiếm đến 20- 25% chi phí của doanh nghiệp, là con số khá hơn nên nhiều DN lách luật để né đóng BHXH bằng nhiều cách. Thực tế, dù đã có quy định chế tài hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH nhưng thời gian qua xử lý trách nhiệm hình sự là rất ít, chủ yếu xử lý pháp nhân mà chưa có cá nhân bị xử lý. Tại Thừa Thiên Huế, các cấp, ngành luôn chỉ đạo công tác thanh kiểm tra về BHXH, BHYT, qua đó giúp giảm nợ, đảm bảo quyền lợi NLĐ…
V.Thu