Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 97% DN Việt Nam là vừa và nhỏ với trình độ công nghệ chưa cao, quy mô vốn và lao động nhỏ, do đó gặp rất nhiều khó khăn khi vận dụng các mô hình hoạt động mới từ nền kinh tế số.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong nền kinh tế số” do Tạp chí Diễn đàn DN-VCCI đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 25/1, ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, chỉ rõ DN có vị trí quan trọng cho phát triển kinh tế số. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số giúp DN tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở đó, DN có thể vượt qua những giới hạn cả về khoảng cách thời gian và khoảng cách địa lý để tìm kiếm, mở rộng thị trường cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP tăng từ 11,9% (năm 2021) lên 14,3% (năm 2022) và 6 tháng của năm 2023 đạt gần 15%. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy: đến hết quý III năm nay, cả nước đã có hơn 165 nghìn DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng đang tăng trưởng rất ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD... Những con số thống kê trên cho thấy, nền kinh tế và cộng đồng DN Việt Nam ứng biến nhanh chóng, có chiến lược quản lý và điều hành linh hoạt trong giai đoạn nhiều thách thức, biến động khó lường. Một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các DN, tổ chức, đơn vị đã chủ động ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ.
“Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số đã và đang đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập vào năm 2045” ông Phòng đánh giá.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của VCCI, thực trạng quy mô chủ yếu là DN nhỏ và vừa, với trình độ công nghệ chưa cao, đang kéo giảm năng lực cạnh tranh, tạo áp lực và khó khăn cản trở DN vận dụng mô hình hoạt động mới từ kinh tế số mang lại. Ngoài những yếu tố nội tại, theo khảo sát của VCCI, các DN còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ cơ chế, chính sách, thể chế chưa đồng bộ. Đó là khó khăn trong tiếp cận tín dụng, khó khăn từ thị trường, những phiền hà trong thủ tục hành chính chưa được giải quyết dứt điểm, môi trường pháp lý thiếu tính ổn định và khả năng tiên liệu tạo ra những rủi ro và bất ổn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Thực trạng này đang kéo giảm năng lực cạnh tranh, tạo áp lực và khó khăn cản trở DN vận dụng mô hình hoạt động mới từ kinh tế số mang lại...
Theo ông Trịnh Minh Anh- Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế: vấn đề cấp bách đặt ra là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nền kinh tế số để bắt kịp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư cũng như tránh tụt hậu về công nghệ. Bên cạnh tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo của cộng đồng DN, rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Ông Minh Anh kiến nghị Chính phủ cần quán triệt quan điểm “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; Phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” và thực hiện có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển những lĩnh vực theo xu hướng số hóa (như năng lượng tự động, hệ thống giao thông vận tải, đào tạo từ xa, quản lý hồ sơ bệnh án-điều trị bệnh trực tuyến, hệ thống quản lý nông-lâm-ngư nghiệp từ xa, thương mại điện tử được chuyển đổi số…). Để làm được những điều này, các cấp quản lý Nhà nước cần chủ động hoàn thiện hệ thống hạ tầng thanh toán số song song với việc thống nhất, đồng bộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trên toàn quốc.
Chia sẻ hiện sự nhầm lẫn của không ít DN về “tự động hóa” (kết quả của ứng dụng công nghệ thông tin) với “thông minh hóa” (kết quả ứng dụng công nghệ số), bà Bùi Thị Hải Yến- Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel cho rằng: DN cần hiểu rõ chuyển đổi số là quá trình tự thân, DN phải tự làm. Các chuyên gia công nghệ số chỉ cung cấp phương pháp và công cụ thực hiện, còn lại là DN tự lựa chọn con đường chuyển đổi hướng tới thông minh hóa sản xuất kinh doanh và quản lý DN của mình. Bên cạnh đó, các DN cần tìm kiếm sự tham vấn để lựa chọn một số công cụ và dịch vụ số (như nền tảng số, thương mại số D2C, giải pháp kho thông minh, trợ lý số), từ đó làm với phương thức sản xuất kinh doanh mới và kiểm chứng được ngay hiệu quả thông qua việc so sánh với cách làm hiện thời. "Trong kỷ nguyên số, DN có cơ hội nhảy vọt nhờ ứng dụng công nghệ số, cho dù xuất phát từ vị trí nào trong nấc thang phát triển", bà Yến nhấn mạnh...
Thái An