BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 855/BHXH-TCTK gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện quy trình phối hợp triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền CSDL quốc gia về dân cư.
Ngày 22/3/2024, Bộ Công an và BHXH Việt Nam đã ký kết Quy trình phối hợp triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền CSDL quốc gia về dân cư. Để triển khai thực hiện Quy trình phối hợp, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quy trình phối hợp.
Trong đó, có giải pháp cụ thể để tuyên truyền, vận động người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH chủ động mở tài khoản ngân hàng (nếu chưa có tài khoản), đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ngân hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; kết hợp với rà soát thông tin người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đảm bảo chi trả đúng người, kịp thời, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí chỉ trả.
Cùng với đó, chỉ đạo BHXH cấp huyện phối hợp với Công an huyện và các cơ quan có liên quan để triển khai thực hiện Quy trình phối hợp theo đúng lộ trình đã đặt ra. BHXH tỉnh theo dõi tiến độ, tổng hợp kết quả thực hiện và có báo cáo về BHXH Việt Nam khi kết thúc Quy trình phối hợp. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cần kịp thời phản ánh về BHXH Việt Nam (Vụ Tài chính-Kế toán) để được hướng dẫn, giải quyết.
Quy trình phối hợp triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền CSDL quốc gia về dân cư giữa BHXH Việt Nam và Bộ Công an nhằm tăng tỷ lệ người nhận các chế độ BHXH qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, rà soát, xác thực người hưởng, tình trạng người hưởng để đảm bảo quản lý người hướng chặt chẽ; chỉ trả đúng người hưởng, đúng chế độ; tránh lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm.
Theo Quy trình, hai cơ quan sẽ triển khai các bước phối hợp như: Tuyên truyền để người hưởng nằm được chủ trương, phương thức triển khai, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và người hưởng; trích xuất, phân loại dữ liệu; thực hiện vận động, tuyên truyền đến từng người hướng nhận chế độ qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp xác minh, làm sạch dữ liệu người hưởng.
Tiếp đến, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội- C06 (Bộ Công an) sẽ chuyển dữ liệu đã được chuẩn hóa, làm sạch cho BHXH Việt Nam và cập nhật thông tin tài khoản tiền gửi của từng người hưởng đã được chuẩn hóa dữ liệu vào phần mềm VNeID. Sau khi dữ liệu của hai bên đã được chuẩn hóa, làm sạch, giai đoạn tiếp theo, các dữ liệu của người hưởng phát sinh mới hoặc tình trạng của người hiện hưởng sẽ được kết nối, cập nhật định kỳ qua CSDL quốc gia về dân cư và CSDL quốc gia về bảo hiểm…
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến nay, hệ thống của Ngành đã xác thực hơn 96 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH quản lý, trong đó, có khoảng 87,75 triệu người đang tham gia và hưởng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (chiếm 97,3% tổng số người tham gia) với CSDL quốc gia về dân cư; phối hợp tích hợp thông tin sổ BHXH trên ứng dụng VNeID, với hơn 15,4 triệu lượt truy vấn thông tin sổ BHXH thành công để tích hợp lên ứng dụng VNeID.
Về việc đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt, đến nay, có trên 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022 (vượt 4% so với chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
TH