Là một trong những “quận lõi” của Thủ đô Hà Nội, quận Hoàn Kiếm luôn quyết tâm đi đầu trong công tác an sinh xã hội, nhất là thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Quận Hoàn Kiếm có 18 phường, với dân số hơn 213 ngàn người, mật độ dân số khoảng 40 ngàn người/km2. Tuy là quận có diện tích nhỏ nhất trong tất cả các quận, huyện của Hà Nội nhưng đây lại là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, giáo dục của Thủ đô. Sự phát triển về mặt kinh tế– xã hội của quận thu hút nhiều người dân, DN đến sinh sống, làm việc, kinh doanh, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của Thành phố.
Với phương châm phát triển kinh tế phải song hành đảm bảo an sinh xã hội, trong những năm qua, Quận ủy, HĐND, UBND quận Hoàn Kiếm luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác BHXH, BHYT, nhất là chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể liên quan phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện tốt chính sách an sinh cho người dân trên địa bàn.
Cùng với đó, BHXH quận Hoàn Kiếm luôn chủ động, tích cực tham mưu UBND quận kịp thời ban hành những kế hoạch chỉ đạo và luôn nhận được sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện của Nhân dân.
Trên cương vị Giám đốc BHXH quận Hoàn Kiếm nhiều năm, bà Nguyễn Thị Tố Nga chia sẻ: Điều dễ cảm nhận nhất là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của toàn quận Hoàn Kiếm suốt quá trình thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHXH, BHYT. Đã trở thành nền nếp, hằng quý, BHXH quận phối hợp với Phòng Tài chính- Kế hoạch LĐ-TB và XH, Chi cục Thuế thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, dữ liệu về DN và lao động; rà soát các đơn vị mới đăng ký mã số thuế, danh sách đơn vị, DN ngừng hoạt động, tiến hành rà soát, lọc dữ liệu để cơ quan BHXH chủ động xây dựng kế hoạch khai thác phát triển đơn vị, lao động tham gia BHXH.
Sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả cũng dễ nhận thấy trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra liên ngành về BHXH, BHYT. Qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, bảo vệ quyền lợi của người tham gia; kịp thời giải quyết đơn thư, khiếu nại, trả lời người dân về chế độ, chính sách BHXH, BHYT…
Người dân quận Hoàn Kiếm ngày càng nhận thấy rõ sự chuyển biến mạnh mẽ của ngành BHXH, nhất là trong công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Những sản phẩm thật, lợi ích thật có được từ chuyển đổi số của ngành BHXH đang hiện hữu, đem đến sự thuận lợi cho DN và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nổi bật nhất là việc giao dịch hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; ứng dụng “VssID - BHXH số”; khám chữa bệnh bằng VssID hoặc VNeID mà không cần thẻ BHYT giấy; nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng không dùng tiền mặt, qua thẻ ATM hay việc đăng ký khai sinh, hộ khẩu thường trú và cấp thẻ BHYT dưới 6 tuổi theo phương thức liên thông “3 trong 1”…
Nhờ các phương thức quản lý hiện đại của ngành BHXH mà việc giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT ngày càng kịp thời, an toàn, chu đáo hơn, tạo sự hài lòng cho người tham gia và thụ hưởng chính sách, thêm niềm tin cho người dân vào chế độ chính sách của Đảng nói chung, chính sách BHXH, BHYT nói riêng. Đó cũng là cơ sở để thu hút NLĐ, người dân tham gia BHXH, BHYT ngày càng đông, tỷ lệ bao phủ ngày càng rộng lớn, năm sau cao hơn năm trước.
Nếu như năm 2021, quận Hoàn Kiếm chỉ có 121.001 người tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 39% lực lượng lao động trong độ tuổi); 699 người tham gia BHXH tự nguyện (chiếm 1,2% lực lượng lao động trong độ tuổi); 258.169 người tham gia BHYT (chiếm 91,6% dân số) thì đến tháng 10/2024, số người tham gia BHXH bắt buộc đã tăng lên 142.337 người (chiếm 45,3% lực lượng lao động trong độ tuổi); Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng lên 2.525 người (chiếm 3,4% lực lượng lao động trong độ tuổi) và số người tham gia BHYT tăng lên 273.135 người (bao phủ 94,85 % dân số).
Theo bà Nguyễn Thị Tố Nga, với mong muốn không ngừng mở rộng lưới an sinh, BHXH Hoàn Kiếm cũng là đơn vị luôn đi đầu, triển khai nghiêm túc các quyết sách đặc thù về BHXH, BHYT của HĐND Thành phố Hà Nội. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2024, thực hiện Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 06/12/2023 của HĐND thành phố, quận Hoàn Kiếm đã cấp thẻ BHYT cho 2.850 người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ và người đang có thẻ BHYT hộ gia đình khó khăn (đạt 100%).
Với nguồn kinh phí từ việc xã hội hóa của các đơn vị, DN trên địa bàn, quận Hoàn Kiếm năm 2023 đã trao tặng 24 sổ BHXH, năm 2024 trao tặng 18 sổ BHXH cho người thuộc gia đình hộ cận nghèo; phối hợp với Hội phụ nữ quận trao tặng 14 thẻ BHYT cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Ngay trong tháng 10– Tháng Vì người nghèo năm 2024, quận Hoàn Kiếm đã có nhiều hoạt động thiết thực, trong đó đã tổ chức Lễ phát động quyên góp “Vì người nghèo” và an sinh xã hội với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tại Lễ phát động, Ban Tổ chức đã tiếp nhận hơn 1,3 tỷ đồng của các cơ quan, đơn vị, DN, các nhà hảo tâm, kịp thời chia sẻ, giúp đỡ đối với các hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt, đối với các trường hợp người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 70 tuổi thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa có thẻ BHYT đã được BHXH quận Hoàn Kiếm cùng Phòng LĐTB&XH quận, UBND 18 phường phối hợp rà soát, vận động tiếp tục tham gia. Từ các nguồn xã hội hóa, Ban Tổ chức đã trao tặng thẻ BHYT đối với 50 trường hợp giá trị sử dụng thẻ BHYT 12 tháng với số tiền là 63.180.000 đồng.
Lan toả quyết tâm bảo đảm bảo sinh cho người dân Thủ đô, ông Phạm Tuấn Long- Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định: Bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước. Thực hiện chủ trương đó, quận Hoàn Kiếm đã tập trung xây dựng các chính sách xã hội có tính bền vững, đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ và nguồn lực.
Ông Phạm Tuấn Long cho rằng, việc hưởng ứng, ủng hộ thiết thực của các cơ quan, tổ chức, DN và nhà hảo tâm cho công tác giảm nghèo và an sinh xã hội là biểu hiện sự chung tay xây dựng quận Hoàn Kiếm Văn minh - Hiện đại, một Hoàn Kiếm nghĩa tình, một Hoàn Kiếm không để ai bị bỏ lại phía sau…
BHXH quận Hoàn Kiếm phấn đấu năm 2025: Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95% dân số; 47% lao động tham gia BHXH bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi; 5% lao động tham gia BHXH tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi; 40% lao động tham gia BH thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.
Châu Anh