Ngày 24/10/2024, tại Hà Nội, diễn ra Diễn đàn thường niên Báo chí và DN đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024.
Diễn đàn được tổ chức dưới sự phối hợp giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam, nhằm tăng cường hợp tác giữa DN và báo chí, xây dựng môi trường kinh doanh và môi trường truyền thông thúc đẩy DN, báo chí cùng phát triển, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, lực lượng báo chí tại Việt Nam hiện nay có 806 cơ quan báo chí, 137 báo, hơn 70 đơn vị làm phát thanh truyền hình trong cả nước. Lực lượng báo chí lớn này đã góp phần tạo ra lượng tin tức khổng lồ, mỗi một năm khoảng 49 triệu tin bài chỉ trên hạ tầng điện tử, sau đó lan tỏa thành hàng trăm triệu tin bài trên không gian mạng; sản xuất hơn 20 nghìn giờ phát thanh, hơn 50 nghìn giờ truyền hình phát song với nội dung đa dạng, bao gồm các thông tin kinh tế, DN. Báo chí luôn là lực lượng thông tin chủ lực, dòng thông tin chính định hướng xã hội; tham gia phục vụ xã hội, cung cấp thông tin và tri thức, đồng thời tham gia vào quy trình ra quyết định của cá nhân và tổ chức...
Diễn đàn năm nay có chủ đề “Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và DN trên báo chí” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, lãnh đạo DN, hiệp hội DN; các chuyên gia kinh tế, luật sư, giảng viên và các phóng viên, nhà báo…
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch VCCI cho biết: môi trường truyền thông, báo chí cũng là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Một môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh, vừa truyền bá thông tin, kiến thức về kinh tế, về hoạt động DN, vừa khích lệ, động viên tinh thần kinh doanh trong xã hội là yêu cầu then chốt, là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các DN, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, về DN, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.
Từ góc nhìn đại diện các cơ quan báo chí, ông Lê Quốc Minh- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Trong thời gian qua, báo chí đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của các DN Việt Nam. Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu, sản phẩm của DN trong nước nhiều hơn, từ đó nâng cao nhận thức, tình yêu và sự tin dùng với hàng Việt Nam, góp phần hỗ trợ sự phát triển DN nước nhà. Đồng thời, giúp DN tiếp cận thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp. Ở góc độ khác, báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời giữa DN và Nhà nước. Thông qua thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng của Nhà nước có thêm kênh thông tin để lắng nghe ý kiến của DN một cách kịp thời, toàn diện hơn. Ngược lại, báo chí cũng trở thành tiếng nói độc lập giúp DN phản hồi chính sách, nói lên nguyện vọng của thực tế nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận còn một số tồn tại, hạn chế, như: Nhiều bài báo về DN còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của DN, dẫn đến thông tin về DN đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch; tình trạng một số bài báo đưa tin thiếu khách quan…
Cùng với góc nhìn này, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn- nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng: bên cạnh hiệu quả tích cực trừ mối quan hệ gắn bó giữa báo chí và DN, thì những thông tin tiêu cực ảnh hưởng lớn, có thể tác động đến DN làm phương hại uy tín, DN phá sản. Nên đạo đức nghề nghiệp là quan trọng, nhà báo phải đặt tính trung thực, chuyên nghiệp khách quan khi đưa tin. cần có sự kiểm chứng thông tin chính xác trước khi đăng tải, cần thông tin khách quan, tránh một chiều, tránh phiến diện…
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông- Nguyễn Thanh Lâm cũng nhấn mạnh: để báo chí và DN cùng đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí- DN trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng giữa hai bên. Báo chí và DN cũng cần phối hợp để tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua việc cùng hỗ trợ đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt, trong đó dịch vụ cung cấp thông tin cũng là dịch vụ cần đầu tư đúng mức để có các sản phẩm chất lượng cao...
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin kinh tế, DN trên báo chí để thúc đẩy sự phát triển DN, góp phần phát triển kinh tế đất nước… Khẳng định rằng báo chí là một trong những cầu nối quan trọng giữa DN với xã hội, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thuỷ đánh giá: Báo chí song hành cùng DN đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển chung như bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như chuẩn bị tốt nhất để có những nền tảng vững chắc bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh truyền thông chính sách, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân, DN tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nâng cao hiệu quả phản biện cơ chế chính sách, kiến giải, đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, tăng cường thông tin chuẩn xác, khách quan, xây dựng, cung cấp nguồn tin chất lượng để DN tham khảo, nghiên cứu và đưa ra những quyết định kinh doanh đúng đắn.
Ở chiều ngược lại, DN cần chủ động cung cấp thông tin với báo chí, truyền thông qua nhiều kênh khác nhau và sẵn sàng hợp tác với báo chí ngay cả khi xảy ra sự cố... Đồng thời, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, VCCI cần tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng DN, doanh nhân và đội ngũ báo chí để góp phần bảo vệ, hỗ trợ, phát triển mối quan hệ trong sáng, tích cực, hài hòa, tôn trọng, trách nhiệm giữa báo chí - DN, tránh việc thông tin một chiều, thiếu khách quan, không chuẩn xác có thể tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, gây tổn hại uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến các DN và doanh nhân, đến môi trường kinh doanh cũng như hình ảnh của chính nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, cũng diễn ra Lễ Trao giải Chương trình Bình chọn các tác phẩm báo chí viết về doanh nhân, DN và phát triển môi trường kinh doanh bền vững. Chương trình nhằm khích lệ, động viên những người làm báo đồng hành, chia sẻ trong xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của các DN và kinh tế đất nước.
Thái An