Nước Đức đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng, đặc biệt rất ít người chấp nhận làm các công việc chân tay nguy hiểm cần kỹ năng cao.
Hiện nay, robot đang được xem là giải pháp tối ưu để bù đắp khi mà nhóm lao động thế hệ Baby Boomer (những người sinh trong khoảng thời gian 1946 - 1964) bắt đầu về hưu và để lại khoảng trống lớn trên thị trường việc làm ở Đức. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bắt đầu ứng dụng tự động hóa trong quy trình sản xuất nhằm thay thế cho những vị trí do những lao động thuộc thế hệ Baby Boomer đảm nhiệm trước đó.
Thống kê chính thức cho thấy trong tháng 6 vừa qua, khoảng 1,7 triệu vị trí việc làm tại Đức vẫn chưa có người đảm nhiệm.
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cho thấy hơn 50% số doanh nghiệp tại nước này gặp khó trong việc tìm kiếm lao động lành nghề để lấp đầy các vị trí cần tuyển dụng. Thực tế này gây thiệt hại cho tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này gần 100 tỷ Euro (109 tỷ USD) mỗi năm.
Theo Giám đốc điều hành S&D Blech Henning Schloeder, tình trạng thiếu lao động sẽ tăng thêm áp lực cho thị trường lao động có tay nghề vốn đã khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và thủ công. Ông Schloeder phản ánh, nhiều vị trí việc làm đòi hỏi tay nghề cao nhưng không thu hút được lao động bởi công việc đó vất vả, nguy hiểm và không ai muốn làm nữa.
Trong những năm gần đây, lực lượng lao động là nữ giới và người nhập cư đã giúp bù đắp cho những thay đổi về nhân khẩu học tại Đức. Tuy nhiên, với việc thế hệ Baby Boomer nghỉ hưu và một thế hệ mới, số lượng ít hơn do tỷ lệ sinh thấp, tham gia lực lượng lao động, Cơ quan Việc làm liên bang Đức dự báo thị trường lao động nước này sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu người vào năm 2035.
Nhà kinh tế trưởng Nela Richardson thuộc công ty cung cấp dịch vụ nhân sự toàn cầu ADP nhận định, về lâu dài, "cuộc chơi" trên thị trường việc làm sẽ biến đổi và lúc đó, mọi người sẽ thực hiện công việc của mình theo những cách thức khác nhau.
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, việc các hãng sản xuất ô tô và các công ty lớn tại Đức tăng mạnh đầu tư cho tự động hóa đã đưa nước này trở thành thị trường robot lớn thứ 4 thế giới và lớn nhất châu Âu. Với chi phí sử dụng thấp, vận hành đơn giản, các công ty gia đình tại Đức (còn gọi là Mittelstand), vốn được coi xương sống của nền kinh tế, cũng chuyển hướng đưa robot vào vận hành, từ tiệm bánh, tiệm giặt là đến siêu thị.
Theo Liên đoàn Robot quốc tế, có tới 26.000 thiết bị robot đã được lắp đặt ở Đức trong năm ngoái. Giám đốc điều hành công ty robot FANUC Germany, ông Ralf Winkelmann, cho biết hãng đã bán khoảng 50% robot do Nhật Bản sản xuất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chứng tỏ công nghệ này giúp các công ty tồn tại khi gặp rủi ro trong tương lai do thiếu nhân viên.
Việc tăng cường tự động hóa cũng phản ánh thực tế robot đã trở nên thông dụng hơn mà không cần kỹ năng lập trình. Ông Florian Andre, người đồng sáng lập SHERPA Robotics - một công ty khởi nghiệp tập trung vào các công ty có từ 20 đến 100 nhân viên, cho biết hầu hết robot đều có màn hình cảm ứng tương tự điện thoại thông minh. Và, cả người lao động và các nghiệp đoàn đều dần có cái nhìn tích cực hơn về việc robot xuất hiện trong các quy trình sản xuất.
Hoàng Dương