Mặc dù Hàn Quốc được coi là một trong những quốc gia phát triển về công nghệ, song quốc gia này vẫn chưa thực sự đạt được tiến bộ về bình đẳng cho người khuyết tật.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số 1,3 tỷ người khuyết tật trên toàn thế giới, Hàn Quốc có khoảng 2,6 triệu người. Người khuyết tật chiếm khoảng 5% tổng dân số Hàn Quốc, bao gồm những người khuyết tật về thể chất; khuyết tật về ngôn ngữ, thính giác và khuyết tật thị giác. Hơn 30% hộ gia đình Hàn Quốc có thành viên là người khuyết tật đang trong cảnh đói nghèo. Không chỉ vậy, người khuyết tật Hàn Quốc phải đối mặt với một số rào cản trong đời sống về y tế, giáo dục, cơ hội việc làm, phân biệt đối xử và khó khăn trong hòa nhập cộng đồng. Tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính của họ cũng cao hơn người bình thường, dẫn đến gánh nặng về chi phí chăm sóc sức khỏe và tỷ lệ tử vong.
Một trong những nguyên nhân khiến hộ gia đình có thành viên là người khuyết tật rơi vào cảnh nghèo đói là sự phân biệt đối xử do kỳ thị. Người khuyết tật có xu hướng không được coi trọng ở Hàn Quốc. Một bộ phận hộ gia đình coi thành viên người khuyết tật là gánh nặng, bắt buộc họ ở trong nhà, không có cơ hội hòa nhập hoàn toàn vào xã hội. Ngoài ra, mê tín dị đoan cũng là yếu tố khiến người khuyết tật bất lợi, vì khiếm khuyết của mình mà họ bị cho là trả nghiệp cho tội lỗi mà bản thân đã phạm ở kiếp trước hoặc bị ma ám.
Sau Thế vận hội Paralympic Tokyo năm 1964, các nhà hoạch định chính sách và Chính phủ Hàn Quốc lưu tâm hơn trong hỗ trợ người khuyết tật và hộ gia đình có thành viên là người khuyết tật để giảm gánh nặng cho họ; trong đó, tập trung vào việc tạo điều kiện để người khuyết tật có thể gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục; tham gia lực lượng lao động và cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng đáp ứng nhu cầu của họ. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều cải thiện, song một số mục tiêu vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Về thị trường lao động, mặc dù Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật song tỷ lệ việc làm của người khuyết tật chỉ ở mức 34,5% vào năm 2019, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ việc làm trung bình là 60,9%. Cơ sở vật chất tại nơi làm việc dành cho người khuyết tật cũng có nơi chưa được thuận tiện, “chẳng hạn như đường dốc dành cho xe lăn, nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật”, tạo ra những “rào cản” đối với việc đảm bảo hoặc duy trì việc làm, vốn là chìa khóa của an ninh kinh tế, đối với đối tượng này.
Bên cạnh đó, người khuyết tật ở Hàn Quốc cũng bị hạn chế về cơ hội tiếp cận giáo dục. Mặc dù có hơn 98.000 học sinh khuyết tật đáp ứng các yêu cầu/đủ điều kiện tham gia lớp “giáo dục đặc biệt” vào năm 2021 nhưng chưa đến 28% số này được học tại các trường chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật hoặc các lớp “giáo dục đặc biệt” ở trường học bình thường. Ngoài ra, học sinh khuyết tật theo học trường học bình thường có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, làm tổn thương cả tinh thần và thể chất các em. Riêng về cơ sở hạ tầng công cộng, 5 năm trở lại đây, vẫn có một số cuộc biểu tình diễn ra tại ga tàu điện ngầm trên khắp Thủ đô Seoul xoay quanh việc yêu cầu tăng kinh phí đầu tư để cải thiện khả năng tiếp cận phương tiện giao thông cộng của người khuyết tật, chủ yếu là lắp đặt thang máy ở mọi ga tàu điện ngầm.
Tùng Anh (Theo SADD)