Trước tình tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP.Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc tiếp tục tăng cao, BVĐK Phương Đông đang nỗ lực triển khai nhiều phương án tiếp nhận và điều trị nội trú, góp phần giảm tải cho BV tuyến trên và kiểm soát tốt dịch trên địa bàn.
Sốt xuất huyết (sốt xuất huyết Dengue) là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Đây là bệnh lây truyền khi muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang mầm bệnh đốt. Bệnh thường khởi phát với triệu chứng sốt và kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ khi bị truyền bệnh bởi muỗi và có khả năng lây lan nhanh vào mùa mưa, nguy cơ cao trở thành dịch.
Triệu chứng của sốt xuất huyết rất đa dạng theo các giai đoạn khác nhau. Thời gian đầu, bệnh có những biểu hiện không rõ ràng nên dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường khác. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, nguy cơ biến chứng và có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (13 - 20/10/2023), toàn thành phố ghi nhận trên 2.766 trường hợp sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã, tăng 165 ca so với tuần trước. Các địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần gồm: Hà Đông, Thanh Oai, Phú Xuyên, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Chương Mỹ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai.
Bệnh nhân sốt xuất huyết luôn được đội ngũ y bác sĩ BVĐK Phương Đông thăm khám thường xuyên
Đáng lưu ý, thành phố cũng ghi nhận 113 ổ dịch tại 24 quận, huyện, thị xã, nhiều nhất là quận Đống Đa có 12 ổ dịch; Bắc Từ Liêm có 11 ổ dịch, nâng tổng số ổ dịch sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay trên địa bàn lên 1.419 ổ dịch. Hiện vẫn còn 239 ổ dịch sốt xuất huyết vẫn đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã, trong đó, một số ổ dịch diễn biến phức tạp, ghi nhận nhiều bệnh nhân như tại các xã: Phùng Xá, Hữu Bằng- huyện Thạch Thất; thôn Đống- xã Cao Viên, huyện Thanh Oai; đường Phượng Bãi, đường Biên Giang- quận Hà Đông; phường Phương Canh- quận Nam Từ Liêm…
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 23.314 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 572/579 xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra giám sát tại một số nơi vẫn tiếp tục ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ.
Hiện nay, tại các BV, số bệnh nhân sốt xuất huyết ngày càng tăng. Tại BVĐK Phương Đông (Số 9 Phố Viên, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), số ca sốt xuất huyết đến khám và số ca nhập viện do sốt xuất huyết gia tăng đột ngột. Trong số các bệnh nhân thì có nhiều trường hợp chuyển biến nặng xuất hiện các biến chứng như là tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi.
Phác đồ điều trị đặc biệt được các bác sĩ áp dụng cho các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thể nặng
Theo TTƯT.Ths.BS.Nguyễn Thị Tường Vân- Trưởng Khoa Nội (BVĐK Phương Đông), từ ngày 15/9 trở đi số ca nhập viện vì sốt xuất huyết tại BVĐK Phương Đông khoảng 20-30 ca, cá biệt có những ngày lên tới 40 ca, chiếm 70-80% số bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa Nội. Trước tình hình trên, khoa Nội đã lên phương án chuẩn bị đầy đủ từ giường bệnh, trang thiết bị máy móc đến nhân lực sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết. Ngoài ra, khoa Nội luôn sẵn sàng tiếp nhận và điều trị nội trú để góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. “Việc tiếp nhận này sẽ hỗ trợ kiểm soát tốt dịch trên địa bàn Hà Nội”- BS.Nguyễn Thị Tường Vân nhận định.
Được biết thời gian qua, khoa Nội của BVĐK Phương Đông luôn được chuẩn bị để có thể đáp ứng số lượng lớn bệnh nhân khi có dịch xảy ra. Điều dưỡng luôn được bổ sung kịp thời từ các khoa khác. Đặc biệt các điều dưỡng có kinh nghiệm, lâu năm và lành nghề ở các bệnh viện khác đều đến trợ giúp trong các tour trực. Bên cạnh đó việc phân loại bệnh nhân theo từng cấp độ được bệnh viện chú trọng. Với mục đích đảm bảo đội ngũ bác sĩ có thể sát sao hơn với những ca sốt xuất huyết nặng, giúp ngăn ngừa biến chứng, rút ngắn thời gian điều trị nội trú.
“Những bệnh nhân nhẹ sẽ được bố trí xa trung tâm, khi có biến chứng nặng sẽ được điều chuyển tới gần trung tâm và được monitoring theo dõi liên tục 24/24. Còn những bệnh nhân nặng, tiểu cầu giảm kết hợp có xuất huyết da niêm mạc và những bệnh nhân tiểu cầu thấp dưới 10 G/L thì BV sẽ tiến hành truyền tiểu cầu. Đối với những bệnh nhân tràn dịch ổ bụng, tràn dịch phổi, áp lực keo giảm thì sẽ phải truyền Albumin để tăng áp lực keo… Các bác sĩ sẽ theo dõi sát sao từng trường hợp để có thể đưa ra hướng xử lý phù hợp, đảm bảo tốt nhất cho các bệnh nhân khi nhập viện điều trị”- BS. Nguyễn Thị Tường Vân chia sẻ.
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài. Các bác sĩ BVĐK Phương Đông khuyến cáo cần đi khám ngay nếu xuất hiện các triệu chứng: Sốt cao liên tục trên 19 độ C; buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn; đau đầu, toàn thân rã rời, uể oải; nổi mẩn đỏ, phát ban trên da 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt; chảy máu ở nhiều vị trí: mũi nướu; rối loạn kinh nguyệt; đi phân máu hoặc phân đen…
Bệnh sốt xuất huyết rất nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng, thậm chí gây tử vong nhanh. Bệnh nhân không nên chủ quan tự chữa tại nhà. Việc thăm khám sớm, xác định chính xác tình trạng thực tế của bệnh nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, phòng biến chứng nghiêm trọng.
Thanh Hằng