Tuần qua, không khó để người đọc bắt gặp những câu chuyện và dòng tít thể thao mà đậm chất chính trị. Cho dù chúng ta có cố gắng tách chính trị khỏi thể thao đến mức nào đi chăng nữa, dường như chúng chỉ càng quyện vào nhau hơn.
Không khó để NHM thể thao đọc được trên các chuyên trang hay chuyên mục thể thao, những thông tin đại loại: “Premier League và EFL CẤM cờ Israel và Palestine trên các SVĐ vào cuối tuần”, “Trận đấu giữa Bỉ và Thụy Điển sẽ KHÔNG được đá lại sau vụ tấn công khủng bố ở Brussels khiến hai người thiệt mạng”, “Lãnh đạo LĐBĐ Anh xin lỗi vì 'sự tổn thương' đã gây ra cho cộng đồng Do Thái do quyết định không thắp sáng cổng vòm Wembley”, hay “Mohamed Salah kêu gọi viện trợ nhân đạo cho Gaza NGAY LẬP TỨC và mong muốn các nhà lãnh đạo thế giới “cùng nhau ngăn chặn” cuộc xung đột Israel-Palestine”, “Bộ trưởng Nội vụ Pháp cáo buộc Karim Benzema dính líu tới tổ chức khủng bố”…
Công cụ chính trị
Cho dù chúng ta có cố gắng tách chính trị khỏi thể thao đến mức nào đi chăng nữa, chúng dường như chỉ càng vướng mắc hơn. Không có sân khấu nào tốt hơn để thấy điều này diễn ra hơn World Cup 2022 tại Qatar. Đó là nơi mọi quan điểm chính trị, từ quyền dành cho cộng đồng LGBT, các cuộc biểu tình chống Iran vì quyền… xem bóng đá của phụ nữ, hoặc tình trạng lương thấp của lao động nhập cư, cho tới việc để một người nhảy dù tự do vào giữa sân vận động, đi kèm là lá cờ Palestine. Simon Kuper, nhà văn/sử gia bóng đá, khẳng định “ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng bóng đá làm quyền lực mềm, và có nguy cơ biến trò chơi thành một công cụ chính trị. Chúng ta thường nghe người hâm mộ nói “chính trị không thuộc về thể thao”, nhưng nếu lịch sử đã dạy chúng ta điều gì thì đó là: Thể thao không chỉ có thể đóng một vai trò quan trọng trong chính trị mà nó còn luôn làm như vậy”.
Năm 1967, huyền thoại quyền anh thế giới người Mỹ, Mohammad Ali, từng từ chối nhập ngũ để chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam. Ông không phải ngồi tù sau 3 năm “chiến đấu” trước Tòa án, nhưng bị tước giấy phép thi đấu quyền anh. Simon Chadwick- chuyên gia kinh doanh thể thao, từng nghiên cứu ảnh hưởng của đầu tư Trung Quốc vào bóng đá, xem đây là một động thái chiến lược của Bắc Kinh nhằm xây dựng mối quan hệ văn hóa/chính trị trên toàn cầu, bày tỏ: “Bóng đá là một công cụ mạnh mẽ để thay đổi xã hội và chính trị. Nó có thể được sử dụng để đoàn kết mọi người, thách thức chính quyền và thúc đẩy công bằng xã hội. Mặt khác, các cầu thủ thường là những người nổi tiếng với lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội. Điều này có thể cung cấp cho họ một nền tảng để quảng bá quan điểm chính trị.
Diễn đàn quảng bá
Đối với nhiều NHM, các CLB bóng đá không chỉ trở thành ngôi nhà thứ hai mà còn là nơi trú ẩn an toàn hoặc nơi chiến đấu cho các giá trị chính trị của họ. Mark Dyreson, Giáo sư lịch sử thể thao, dẫn câu chuyện phong trào VĐV quỳ gối trước trận đấu xuất phát từ việc Colin Kaepernick, cầu thủ bóng đá Mỹ đã quỳ gối khi hát quốc ca năm 2016 để phản đối sự tàn bạo của cảnh sát và bất bình đẳng chủng tộc ở Hoa Kỳ. “Thể thao hay bóng đá có tiềm năng thúc đẩy sự thay đổi xã hội và thách thức sự bất bình đẳng”, Mark Dyreson nói. “Nó mang lại cho mọi người một nơi để tập trung năng lượng mà không mang tính chính trị. Nó cũng là một đại lộ để phản đối, với các cuộc tụ tập đông người tại các trận đấu mang đến cho khán giả một diễn đàn để thể hiện bản sắc và tình cảm chính trị”.
Jules Boykoff, nhà khoa học chính trị và chính sách, nhấn mạnh không chỉ bóng đá, nhiều môn thể thao khác đã và đang được sử dụng như công cụ ngoại giao đắc lực, từ sự kiện “ngoại giao bóng bàn” vào tháng 4/1971, hay chuyến du đấu lịch sử của đội tuyển cricket Ấn Độ tới Pakistan năm 2004, cho tới quyết định của Triều Tiên và Hàn Quốc diễu hành dưới một lá cờ trong Thế vận hội 2018… Thế nên, khi lãnh đạo FIFA và UEFA vẫn khẳng định “Thể thao phi chính trị”, thực tế, đó chỉ là câu chuyện “bịt tai trộm chuông”. Bởi, thể thao không chỉ đóng một vai trò to lớn mà nó hoàn toàn có địa vị trong chính trị.
Hoàng Hương