Ngày 2/10, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi) đưa ra dự báo cho biết, trong 3 tháng cuối năm nay, các DN trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng khoảng 70.000 lao động.
Bà Nguyễn Hoàng Hiếu- Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, trong quý III/2023, Falmi đã khảo sát 14.540 lượt DN và 32.305 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Kết quả cho thấy, nhu cầu nhân lực của TP.HCM chủ yếu tập trung ở khu vực thương mại-dịch vụ với 51.533 chỗ làm việc, chiếm 73,67% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp-xây dựng với 18.404 chỗ làm việc, chiếm 26,31%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 14 chỗ làm việc, chiếm 0,02%. Còn trong quý IV, các DN trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng khoảng 70.000 lao động.
Giới thiệu việc làm cho sinh viên mới ra trường tại TP.HCM
Theo Falmi, nhu cầu tuyển dụng của các DN tại TP.HCM trong quý IV sẽ tập trung vào 10 nhóm ngành nghề chính, chiếm gần 79% tổng nhu cầu tuyển dụng. Cụ thể: Nhóm ngành nghề kinh doanh thương mại nằm trong nhóm dẫn đầu- khi cần hơn 23.500 chỗ làm việc, chiếm 33,6% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, tập trung vào các vị trí như: Nhân viên kinh doanh, giám sát bán hàng, quản lý cửa hàng, nhân viên bán hàng và hỗ trợ bán hàng…
Nhóm nghề dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ đứng thứ hai với hơn 9.000 chỗ làm việc, chiếm 12,95% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các vị trí như: Giúp việc gia đình, giao hàng, bảo vệ, nhân viên chăm sóc sắc đẹp…
Nhóm ngành bất động sản có nhu cầu tuyển mới hơn 4.500 chỗ làm việc, chiếm 6,48% tổng nhu cầu nhân lực và đứng thứ 3 trong những ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất trong quý III dù thị trường đang trầm lắng. Nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này tập trung vào các vị trí như: Nhân viên kinh doanh, tư vấn, môi giới bất động sản, quản lý tòa nhà…
Trong khi đó, 7 nhóm ngành còn lại chỉ có nhu cầu tuyển dụng hơn 14.700 chỗ làm việc, chiếm 21% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao như: Dịch vụ tư vấn-nghiên cứu khoa học và phát triển cần hơn 3.900 chỗ làm; kế toán-kiểm toán cần gần 3.500 chỗ làm; CNTT cần hơn 2.500 chỗ làm; hành chính-văn phòng và biên phiên dịch cần hơn 2.500 chỗ làm; marketing cần hơn 2.000 chỗ làm; cơ khí-tự động hóa cần hơn 1.900 chỗ làm và dịch vụ du lịch-lưu trú và ăn uống cần gần 1.800 chỗ làm…
Cũng theo phân tích của Falmi, nếu phân chia theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, thì nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên chiến tỷ lệ 22,85%, cao đẳng chiếm 24,61%, trung cấp chiếm 27,17%, sơ cấp chiếm 11,82% và nhu cầu nhân lực ở nhóm lao động phổ thông chiếm 13,55%. Như vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo trong quý IV sẽ chiếm tới 86,45% tổng nhu cầu nhân lực.
Phạm Thọ