Trước tình trạng thiếu vắc-xin trên quy mô toàn quốc, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, rà soát nguồn vắc-xin, vận động các nhà tài trợ trong và ngoài nước hỗ trợ nguồn lực cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, chỉ đạo thực hiện cung ứng vắc-xin theo các quy định hiện hành…
Chiều 15/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế. Tại đây, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Y tế đã chia sẻ thông tin liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh; cũng như những vấn đề liên quan đến vắc-xin tiêm chủng mở rộng…
Ông Hà Anh Đức thông tin về tình hình y tế quý IV/2023
Thông tin tại buổi gặp mặt, ông Hà Anh Đức- Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, trong năm qua, Bộ Y tế đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và đạt được một số kết quả nổi bật. Theo đó, Bộ Y tế đã ban hành, tham mưu ban hành nhiều văn bản chính sách tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của ngành. Công tác KCB đã quay trở lại trạng thái trước thời điểm phòng chống dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân; nhiều kỹ thuật cao đã được ứng dụng trong KCB; công tác phòng chống dịch bệnh tiếp tục được triển khai chủ động trên nhiều phương diện.
Tuy nhiên, theo ông Đức, ngành Y tế cũng còn gặp một số khó khăn như: Vẫn còn tình trạng thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng; vẫn còn khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc; vấn đề thanh toán chi phí KCB của các cơ sở y tế...
Chia sẻ về vấn đề vắc-xin phục vụ tiêm chủng mở rộng, bà Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nay Bộ Y tế đang ghi nhận tình trạng thiếu vắc-xin trên quy mô toàn quốc. Giai đoạn 2016-2022, Chương trình tiêm mở rộng được bố trí kinh phí mua vắc-xin từ nguồn Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1125/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài nguồn mua vắc-xin theo hình thức hoạt động của Dự án, vắc-xin được hỗ trợ từ Tổ chức GAVI và các tổ chức nước ngoài khác viện trợ.
Bà Dương Thị Hồng thông tin về vấn đề vắc-xin phục vụ tiêm chủng mở rộng
Trong những năm gần đây, sự hỗ trợ nguồn lực từ GAVI và các tổ chức quốc tế có sự chuyển dịch cách thức hỗ trợ, do Việt Nam nằm ngoài danh sách các nước có thu nhập thấp, kinh tế kém phát triển, nên một số loại vắc-xin viện trợ cần phải đối ứng sau khi tiếp nhận. Năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương phải thực hiện các thủ tục mua sắm vắc-xin từ ngân sách của địa phương, song gặp khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai...
Để có vắc-xin phục vụ tiêm chủng cho trẻ em, Bộ Y tế đã nỗ lực vận động các nhà tài trợ. Từ tháng 7/2023, Bộ Y tế đã vận đông các nhà tài trợ trong nước và quốc tế được 258.000 liều và đã phân bổ phục vụ công tác tiêm chủng từ tháng 8/2023. Đến tối ngày 15/12, số vắc-xin "5 trong 1" gồm 490.600 liều do Chính phủ Úc viện trợ đã về đến Việt Nam.
Việc phân bổ vắc-xin được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Thứ nhất, ưu tiên vắc-xin được phân bổ để tiêm chủng trẻ chưa được tiêm mũi 1 vắc-xin "5 trong 1"; ưu tiên trước cho trẻ có nhóm tuổi nhỏ nhất từ 2 tháng tuổi trước, rồi mới đến những trẻ có tháng tuổi lớn hơn bao gồm cả những trẻ trên 12 tháng tuổi. Thứ hai, tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho những trẻ chưa đuợc tiêm đủ 3 mũi vắc-xin "5 trong 1", bao gồm cả trẻ trên 12 tháng tuổi (việc này hoàn toàn nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất) để trẻ phòng chống 5 bệnh truyền nhiễm.
"Với số lượng vắc-xin "5 trong 1" trước đó cũng như vắc-xin được Chính phủ Úc hỗ trợ, các địa phương sẽ triển khai theo thứ tự ưu tiên nêu trên và Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ cấp vắc-xin phù hợp với số đối tượng trẻ tại các tỉnh, thành phố. Vắc-xin sẽ được cung ứng tới 63 tỉnh/thành phố; ưu tiên tăng cường tỷ lệ cung ứng vắc-xin cho các địa phương miền núi, vùng khó khăn để đảm bảo công bằng trong tiếp cận vắc-xin cho trẻ"- bà Dương Thị Hồng chia sẻ.
Đại diện Bộ Y tế trao đổi với các nhà báo về thông tin y tế
Cũng theo đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hầu hết các vắc-xin tiêm chủng mở rộng là vắc-xin sản xuất trong nước. Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang phối hợp rất chặt chẽ để giải quyết phần thủ tục, ngay sau khi có giá vắc-xin, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ khẩn trương ký các hợp đồng cung ứng vắc-xin. Hiện nay, các nhà sản xuất trong nước đã có cơ số vắc-xin nhất định để giao ngay cho Viện khi hoàn tất các thủ tục tài chính.
"Ngay sau khi có giá vắc-xin, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ khẩn trương ký các hợp đồng cung ứng vắc-xin. Hiện nay, các nhà sản xuất trong nước đã có cơ số vắc-xin nhất định để giao ngay cho Viện khi hoàn tất các thủ tục tài chính"- bà Hồng nhấn mạnh. Đồng thời cho biết thêm, dù thời gian qua có hiện tượng thiếu vắc-xin, nhưng trên quy mô toàn quốc vẫn đạt 66% tiêm chủng đầy đủ, riêng với tỷ lệ tiêm vắc-xin "5 trong 1" đạt 52,6%.
Về bảo đảm cung ứng vắc-xin trong năm 2024, ông Dương Đức Thiện- Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Để giải quyết căn cơ, lâu dài, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đối với vắc-xin có khả năng sản xuất trong nước (10 loại vắc-xin), Bộ Y tế đã rà soát các quy định của pháp luật và thực hiện mua theo hình thức đặt hàng (quy trình gồm 9 bước). Bộ Y tế đã thẩm định, gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt phương án giá tối đa. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể.
Hà Hùng