Báo cáo Phát triển Con Người châu Á-Thái Bình Dương năm 2024 được Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) công bố cho thấy một triển vọng tích cực về phát triển con người trong dài hạn. Tuy nhiên, hiện khu vực vẫn phải đối mặt với sự chênh lệch, thậm chí có thể bị gián đoạn trong công cuộc phát triển con người trong bối cảnh nhiều biến động, đòi hỏi chúng ta cần sớm tìm ra những hướng đi mới.
Với tựa đề Xây dựng Tương lai của Chúng ta: Hướng đi mới cho Phát triển Con Người tại châu Á-Thái Bình Dương, báo cáo cho rằng chúng ta cần thiết phải thay đổi khi đối mặt với tình trạng bất ổn về an ninh, nhiều mong ước của con người khó được đáp ứng cũng như một tương lai bất ổn vẫn ở phía trước.
Báo cáo cảnh báo rằng khu vực này đang đối mặt với 3 nhóm nguy cơ tồn tại đồng thời, bao gồm các mối đe dọa liên quan đến sự sinh tồn của con người do tình trạng biến đổi khí hậu và các đại dịch trong tương lai, những "cơn gió ngược" trong phát triển kinh tế xuất phát từ sự thay đổi của xu hướng toàn cầu hóa và tự động hóa, và tốc độ cải cách chậm lại do việc thực hiện dân chủ suy yếu, sự gia tăng của chủ nghĩa dân tuý cùng với tình trạng phân cực gia tăng.
Mặc dù khu vực này có thể sẽ chiếm tới 2/3 sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, sự chênh lệch về thu nhập và tài sản đang ngày càng trầm trọng, nhất là tại khu vực Nam Á, nơi 10 % số người giàu nhất chiếm hơn một nửa tổng thu nhập toàn khu vực. Báo cáo cho biết, hơn 185 triệu người vẫn tiếp tục sống trong cảnh nghèo cùng cực (chỉ kiếm được chưa đến 2,15 đô la mỗi ngày) một con số được dự kiến sẽ tăng lên sau những cú sốc kinh tế của đại dịch COVID-19.
Trợ lý Tổng Thư ký LHQ và Giám đốc khu vực của UNDP tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương Kanni Wignaraja cho biết: "Báo cáo nhấn mạnh để vượt qua những thách thức hiện tại, chúng ta phải ưu tiên việc đầu tư vào phát triển con người, với nhận thức rằng mỗi quốc gia sẽ định hình con đường riêng của mình để thực hiện điều đó... Bằng cách thúc đẩy một chính sách đặt con người lên hàng đầu và các chiến lược tăng trưởng thông minh ưu tiên các tài nguyên thiên nhiên, chúng ta có thể mở ra một tương lai không chỉ an toàn hơn, hòa bình hơn mà còn bền vững và thịnh vượng hơn cho hàng triệu người khác".
Để mang lại sự thay đổi đó, Báo cáo khuyến nghị 3 hướng đi mới trong phát triển con người: Đặt con người vào trọng tâm của sự phát triển, điều chỉnh lại các chiến lược tăng trưởng để tạo thêm việc làm và tôn trọng môi trường, và tập trung không ngừng vào cải cách chính trị và cách tiếp cận khoa học để biến ý tưởng thành hiện thực. Báo cáo cũng đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về việc các quốc gia có thể tái cơ cấu các chiến lược phát triển nhằm thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng hiện có và tình trạng suy giảm an sinh xã hội của con người.
Chiến lược lấy con người làm trọng tâm cần bắt đầu bằng việc mở rộng khả năng lựa chọn cho người dân, giải quyết các vấn đề trong hệ thống để không ại bị bỏ ngoài lề, đề cao phẩm giá con người và xây dựng năng lực. Giải quyết vấn đề loại trừ mang tính cơ cấu không chỉ là “điều đúng đắn” mà còn có thể mang lại lợi ích kinh tế lớn. Báo cáo cho biết chỉ riêng việc thúc đẩy bình đẳng giới có thể tăng tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của khu vực thêm 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh điều kiện thị trường bên ngoài trở nên cạnh tranh hơn, việc tập trung một cách tuyệt đối vào nâng cao tính cạnh tranh và đa dạng hóa là điều cần thiết. Báo cáo nhấn mạnh các lĩnh vực mới về cơ hội kinh tế trong "nền kinh tế xanh" và công nghệ ít carbon, cũng như nguồn tài nguyên biển phong phú của khu vực có thể được tối ưu hóa và bảo tồn thông qua công nghệ và đầu tư mới trong khuôn khổ nền kinh tế canh, điều này đặc biệt quan trọng đối với các Quốc đảo nhỏ đang phát triển…
Ông Philip Schellekens- Chuyên gia kinh tế trưởng cho UNDP khu vực châu Á Thái Bình Dương, đồng thời là tác giả chính của Báo cáo cho biết: “Lời kêu gọi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần phải mạnh mẽ chứ không thể yếu ớt, bởi tăng trưởng vẫn là yếu tố cần thiết cho sự phát triển con người”. Chuyên gia này bổ sung: “Đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng đối với tăng trưởng và tạo việc làm cũng như khả năng bị gián đoạn phát triển, đã đến lúc chúng ta cần phải hiệu chỉnh lại cả chiến lược tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và chiến lược tăng trưởng hướng vào thị trường nội địa”.
Báo cáo cũng cảnh báo: Lực lượng lao động không chính thức lớn của khu vực – khoảng 1,3 tỷ người – đang bị bỏ lại phía sau, với nhiều NLĐ gặp bế tắc khi phải làm các công việc có chất lượng thấp vì khu vực chính thức không cung cấp được cơ hội việc làm bền vững cho họ. Báo cáo cũng ghi nhận khu vực này đã chứng kiến sự suy giảm liên tục trong việc thực hiện các quyền dân chủ, điều này chưa từng xảy ra kể từ những năm 1970 khi đại dịch buộc các chính phủ thắt chặt, thậm chí hạn chế về quyền tự do dân sự.
Để đưa ra một lộ trình mới, các Chính phủ cần phải có sự chuẩn bị phù hợp cho tương lai để đối phó với những thách thức phía trước. Báo cáo phân tích để tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ cần ưu tiên tăng cường vai trò lãnh đạo và quản trị linh hoạt hơn và hiệu quả hơn.
Thái An