Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain Company công bố đầu tháng 11 vừa qua, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).
Tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, tăng trưởng GMV trong 2 năm tới của kinh tế số tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực TMĐT.
Theo số liệu khảo sát thống kê của Bộ Công Thương, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022. Có thể thấy, trong suốt những năm qua, TMĐT Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay.
Năm 2023 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường TMĐT và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và tạo bước đà cho kinh tế phát triển. Đây cũng chính là thời điểm để nước ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới, từ đó giúp khôi phục doanh nghiệp và mở rộng thị trường sau khi tình trạng khó khăn qua đi.
Thống kê cho thấy, hiện có 44% DN có sở hữu website TMĐT; 80% website TMĐT có tính năng tương tác trực tuyến (1/2 trong số đó có chatbox); 22% DN có website phiên bản di động; 22% doanh nghiệp sở hữu ứng dụng di động.
Chia sẻ về những xu hướng TMĐT năm 2023 và những năm tiếp theo, bà Đoàn Ngọc Lan (Trung tâm Phát triển TMĐT-Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết, bán hàng đa kênh duy trì vị trí đứng đầu trong xu hướng TMĐT năm 2023. Khảo sát cho thấy có khoảng 56% khách hàng sử dụng smartphone nghiên cứu về sản phẩm khi đang ở trong cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, 75% người dùng sử dụng nhiều kênh khác nhau như website, mạng xã hội, cửa hàng… để mua sắm. Và khoảng 73% tiếp cận đa kênh trong suốt hành trình trải nghiệm.
Xu hướng đứng thứ 2 là thương mại di động. Theo bà Lan, xu hướng mua hàng qua kênh smartphone đang ngày càng chiếm ưu thế. Hiện có tới 88% phương tiện truy cập Internet của người dân là điện thoại di động; 47% lượng người dùng mua hàng thông qua các ứng dụng mua sắm trên thiết bị di động.
TMĐT qua mạng xã hội đứng thứ 3 trong xu hướng TMĐT tại Việt Nam năm 2023 và là cũng là xu hướng chung tại nhiều nước trên thế giới. Theo Statista, doanh số thương mại xã hội toàn cầu đạt 992 tỷ USD năm 2022 và dự đoán sẽ đạt gần 3.000 tỷ USD vào năm 2026. “TMĐT qua mạng xã hội đang là “hot trend” trong năm 2023, và kéo sang những năm tới”- bà Lan nói.
Đứng thứ 4 là TMĐT xuyên biên giới (CBE). Theo đó, TMĐT xuyên biên giới bùng nổ trong khoảng 5 năm trở lại đây với lợi thế xóa mờ khoảng cách địa lý và việc ngày càng hoàn thiện của hệ thống giao nhận. Đây cũng sẽ là xu hướng tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong những năm tới. Theo công bố của Amazon Global Selling Việt Nam, năm 2022, đã có gần 10 triệu sản phẩm hàng Việt bán trên sàn TMĐT này, tăng hơn 35% so với cùng kỳ.
“Bùng nổ” trong thời gian gần đây đó là xu hướng bán hàng kết hợp giải trí (Shoppertainment gồm Live Selling: Bán hàng livestream; shoppable Video: Mua sắm trực tuyến tại video; trò chơi điện tử ứng dụng hóa). Shoppertainment đang là kênh khá phát triển không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Đại diện bán hàng những nền tảng này là KOLs, KOC (người có ảnh hưởng, người nổi tiếng). Xu hướng bán hàng này cũng đang chứng kiến sự canh tranh của nhiều KOLs trong nước với các KOLs nước ngoài trong bán hàng cho người tiêu dùng Việt.
“Xu hướng TMĐT thứ 6 là Công nghệ AI. Một số số liệu cho thấy xu hướng TMĐT sử dụng công nghệ AI đang ngày càng tăng như: Theo Oracle có tới 78% các thương hiệu đã sử dụng AI cho website TMĐT; theo McKinsey, 79% chủ doanh nghiệp TMĐT thừa nhận kết hợp AI với marketing và bán hàng giúp tăng doanh thu của công ty; Business Solution thống kê chi phí sử dụng AI Chatbots cho chăm sóc khách hàng giảm 30%; và theo Invesp, 37% người dùng nhấp vào đề xuất TMĐT do AI điều khiển trong lần đầu ghé thăm website, đã quay lại vào ngày hôm sau”- bà Lan cho biết.
Hà Thủy