Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Theo Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện 16% dân số Việt Nam cả nước là người cao tuổi, tương đương với 16,1 triệu người. Trong đó, giai đoạn 2025– 2030, 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động để tham gia thị trường lao động.
UNFPA tại Việt Nam thông tin, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Cụ thể, người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019. Năm 2050, dự báo sẽ tăng lên hơn 25% và đến năm 2036, bước vào thời kỳ dân số già. Nguyên nhân chính do những năm gần đây, tỷ lệ tử vong giảm, tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh giảm mạnh.
“Già hóa dân số đặt ra nhiều cơ hội và thách thức về mặt kinh tế, xã hội; đồng thời, đòi hỏi quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế. Già hóa dân số nhanh chóng cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu lao động trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. Khi tỷ lệ người cao tuổi tăng thì nhu cầu về các dịch vụ xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của họ cũng tăng theo”- Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết.
Việt Nam có hệ thống an sinh xã hội tương đối phát triển. Hằng năm, ngân sách nhà nước bố trí khoảng 28.000 tỷ đồng để chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng và mua thẻ BHYT cho các nhóm được hỗ trợ, trong đó có người cao tuổi. Đến nay, “95% người cao tuổi được cấp thẻ BHYT; hơn 1,87 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hơn 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công với cách mạng; hơn 2,7 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng”. Mặc dù vậy, UNFPA tại Việt Nam tham vấn, “cần tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận hệ thống an sinh xã hội của người cao tuổi, mở rộng phạm vi áp dụng của hệ thống an sinh xã hội quốc gia và chương trình trợ giúp xã hội. Ngoài ra, cần phải nhìn nhận rằng nhiều người cao tuổi có khả năng và mong muốn làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu, vì thế cần trao cơ hội hoạt động kinh tế cho người cao tuổi”.
Luận điểm này của UNFPA tại Việt Nam trùng khớp với quan điểm và định hướng của Chính phủ Việt Nam. Phát huy tinh thần “Tuổi cao, ý chí càng cao” của người cao tuổi; đồng thời, hằm phát huy tối đa tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, việc làm, kinh tế, chính trị của đất nước phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu, khả năng của người cao tuổi là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về người cao tuổi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, tại Chiến lược Quốc gia về người cao tuổi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu “đến giai đoạn 2025- 2030, ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm; ít nhất 100.000 người cao tuổi được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm; ít nhất 100.000 hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi”. Qua đó, góp phần chăm lo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi; tạo điều kiện cho người cao tuổi, nhất là người cao tuổi nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, trợ giúp xã hội; tiê[s tục khai thác tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức của người cao tuổi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế đất nước.
Tùng Anh