Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc, hôm 9/7, khẳng định không thể phủ nhận nạn đói đang diễn ra ở Gaza.
Trong một tuyên bố, nhóm 10 chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc cho biết, kể từ ngày 7/10/2023 đã có 34 người Palestine tử vong vì suy dinh dưỡng, phần là trẻ em. Trong nhóm chuyên gia này có báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền tiếp cận lương thực, ông Michael Fakhri. Họ nêu ra trường hợp 3 trẻ em 13, 9 và 6 tháng tuổi tử vong do suy dinh dưỡng ở phía Nam thành phố Khan Younis và khu vực trung tâm Deir Al-Balah kể từ cuối tháng 5.
"Với cái chết của những đứa trẻ này vì đói mặc dù đã được điều trị y tế ở miền trung Gaza, không còn nghi ngờ gì nữa rằng nạn đói đã mở rộng từ miền bắc Gaza đến miền trung và nam Gaza", nhóm chuyên gia đánh giá. Họ lên án "chiến dịch bỏ đói có chủ đích của Israel đối với người dân Palestine".
Theo cơ quan Y tế Gaza, hầu hết các trường hợp chết đói nằm ở khu vực phía Bắc, nơi phải đối mặt với chiến dịch quân sự của Israel sau cuộc tấn công của Hamas. Kể từ đầu tháng 5, chiến sự đã lan sang phía nam Dải Gaza, ảnh hưởng đến các hoạt động đưa hàng cứu trợ vào vùng đất này.
Trong phản ứng của mình, phái bộ ngoại giao Israel tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở Geneve, Thụy Sĩ, mô tả tuyên bố này là "thông tin sai lệch". Họ quả quyết rằng, qua đánh giá mới nhất theo thang bậc Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) của Liên Hợp Quốc, nạn đói đã không xảy ra sau khi khả năng tiếp cận viện trợ được cải thiện phần nào.
"Israel đã liên tục tăng cường phối hợp và hỗ trợ trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo trên khắp Dải Gaza, gần đây đã kết nối đường điện của mình với nhà máy khử mặn ở Gaza", tuyên bố của phái bộ ngoại giao Israel nhấn mạnh.
Đến nay, Liên Hợp Quốc chưa chính thức tuyên bố nạn đói ở dải đất này. Hồi tháng 6, IPC cảnh báo Gaza có nguy cơ xảy ra nạn đói cao khi chiến tranh tiếp diễn và việc tiếp cận hàng cứu trợ bị hạn chế. Theo IPC, gần như mọi người ở Dải Gaza đều đang phải vật lộn để có cái ăn. Còn trong báo cáo hồi tháng 3, IPC cho biết khoảng 1/3 dân số Gaza đang trải qua nạn đói cấp độ 5- mức độ cao nhất.
Tình cảnh nghèo đói cùng cực ở Gaza vẫn hiện diện bất chấp nhiều tháng Mỹ gây áp lực buộc Israel phải hành động nhiều hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực viện trợ và lắp đặt một bến tàu trị giá 230 triệu USD do Mỹ xây dựng. Nhiều quốc gia cũng liên tục thả dù hàng cứu trợ. Hồi tháng 4, sau khi các cuộc tấn công của Israel khiến 7 nhân viên cứu trợ thiệt mạng và làm dấy lên sự phẫn nộ quốc tế, Israel cam kết sẽ tăng cường viện trợ và sau đó mở thêm các tuyến đường bộ ở phía bắc. IPC xác nhận lượng thực phẩm cứu trợ tới miền bắc Gaza đã "tăng mạnh".
Trong một diễn biến liên quan, hôm 9/7, Văn phòng Tổng thống Ai Cập thông báo Tổng thống nước này, ông Abdel Fattah al-Sisi đã thảo luận với Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns về nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn tại Gaza. "Tổng thống al-Sisi đã khẳng định quan điểm của Ai Cập phản đối việc tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự ở Dải Gaza", thông báo trên nêu rõ.
Nhiều quan chức cấp cao của Mỹ đã có mặt trong khu vực để thúc đẩy lệnh ngừng bắn sau khi Hamas nhượng bộ vào tuần trước. Tuy nhiên, Hamas cảnh báo cuộc tấn công mới của Israel vào Gaza hôm 8/7 đã đe dọa cuộc đàm phán ngừng bắn vào thời điểm quan trọng.
Israel đã thực hiện chiến dịch quân sự ở Dải Gaza sau cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel trong ngày 7/10/2023, trong đó các chiến binh Palestine đã sát hại khoảng 1.200 người, đa số là dân thường, và bắt cóc khoảng 250 người. Theo Bộ Y tế ở Gaza, chiến dịch tấn công Gaza của Israel đã khiến hơn 37.000 người Palestine thiệt mạng, không phân biệt dân thường hay chiến binh.
Hoàng Dương