Nhật Bản từng nghĩ trượt ván (skateboarding) là trò tiêu khiển dành cho thanh thiếu niên, thế nhưng môn thể thao này lại đưa quốc gia này trở thành “cường quốc” trượt ván toàn cầu và dự kiến sẽ đem lại HCV tại Thế vận hội Olympic Paris 2024.
Tại Nhật Bản, có thể bắt gặp rất nhiều thanh thiếu niên từ 6 tuổi trở lên đang miệt mài trượt ván tại sườn dốc hay công viên, với sự hướng dẫn của huấn luyện viên chuyên nghiệp, trong khi phụ huynh kiên nhẫn chờ đợi gần đó. Hình ảnh này hoàn toàn khác so với trước đây, khi trượt ván vẫn thuộc về văn hóa đường phố, với những bạn trẻ luyện tập kiểu tự phát. Chìa khóa làm nên sự thay đổi vị thế của trượt ván, đó là khi môn thể thao này giành được kết quả ngoạn mục, giành được 3 trên 4 HCV ngay trong lần đầu tiên ra mắt tại Thế vận hội Olympic Tokyo vào 3 năm trước.
Daisuke Hayakawa biểu diễn vào tháng trước tại khu vực tập luyện trượt ván ở Tokyo
Huấn luyện viên Đội tuyển Quốc gia Nhật Bản Daisuke Hayakawa cho biết, những năm gần đây, số lượng vận động viên trượt ván ở Nhật Bản đã tăng gấp 3 lần: “Điều này giúp chúng tôi có nguồn vận động viên bộ môn này ổn định trong nhiều năm tới. Trượt ván đã và đang trở thành xu hướng. Từ ngăn cấm, bây giờ phụ huynh sẵn sàng cho con cái luyện tập và mua sắm trang thiết bị”.
Buổi phỏng vấn huấn luyện viên Daisuke Hayakawa được thực hiện tại một một công viên trượt ván ở Tokyo khai trương vào năm 2022- đây là một trong số nhiều công viên trượt ván “mọc lên như nấm” kể từ sau Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Bất chấp cái nóng gay gắt của mùa hè, âm thanh của bánh xe lạch cạch trên nền bê tông và tiếng gỗ cọ xát với kim loại của ván trượt vẫn vang vọng trong không gian, khi những người trượt ván đủ lứa tuổi luyện tập. “Bạn thấy đấy, mọi việc đã hoàn toàn thay đổi vì Thế vận hội. Thành tích rực rỡ của Đội tuyển Trượt ván Quốc gia Nhật Bản rõ ràng có tác động lớn”- huấn luyện viên Daisuke Hayakawa nhận định.
Vào tháng trước, vận động viên Sora Shirai (Nhật Bản) tham dự Vòng loại Olympic Paris 2024 tại Budapest (Hungary)
Thông thường, tại các cuộc thi trượt ván quốc tế, các vận động viên trẻ tuổi hay giành ưu thế. Nhưng độ tuổi giành huy chương của vận động viên Nhật Bản tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 lại không theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Chẳng hạn, tại nội dung Thi đấu công viên dành cho nữ, Kokona Hiraki giành HCB khi 12 tuổi; còn Momiji Nishiya giành HCV cũng mới chỉ bước sang tuổi 13. Năm nay, trượt ván Nhật Bản sẽ tới Thế vận hội Olympic Paris 2024 với một đội hình trẻ trung. Đáng chú ý, có 2 vận động viên 14 tuổi là thần đồng Ginwoo Onodera (nam) và vận động viên nội dung Thi đấu đường phố Coco Yoshizawa (nữ). Ngoài ra, có sự góp mặt của nhà vô địch Thi đấu đường phố nam Yuto Horigome, người đã giành được suất tham dự bằng chiến thắng trong cuộc thi vòng loại tại Budapest (Hungary) vào tháng trước.
Vận động viên Kokona Hiraki đang tranh tài ở vòng loại nội dung Thi đấu công viên dành cho nữ tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020
Huấn luyện viên Đội tuyển Quốc gia Nhật Bản Daisuke Hayakawa bắt đầu luyện tập trượt ván cách đây gần 40 năm và đã chứng kiến môn thể thao này phát triển từ văn hóa đường phố trở thành môn thể thao Olympic: “Chúng tôi hi vọng sẽ có thành tích tốt tại Thế vận hội Olympic Paris 2024, để thu hút nhiều thanh thiếu niên đến với trượt ván và Nhật Bản có thể tiếp tục là cái nôi sản sinh ra nhiều tài năng cho bộ môn này. Vận động viên của chúng tôi siêng năng và luyện tập rất nhiều, đó là cách tốt nhất để hướng tới chiến thắng trong những cuộc thi đấu. Bên cạnh đó, về mặt thể chất, ngoại hình nhỏ nhắn, vừa vặn cũng giúp di chuyển cơ thể phù hợp”.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)