Để giữ chân nhân tài, ngày càng nhiều công ty lớn của Nhật Bản bắt đầu đáp ứng nhu cầu của những người mới được tuyển dụng thay vì giữ kín thông tin về vị trí làm việc như trước đây.
Theo hãng tin Kyodo, xu hướng mới này phản ánh sự chuyển đổi so với thông lệ không cho những người mới tốt nghiệp biết về nơi làm việc, trách nhiệm công việc và các chi tiết khác cho đến khi họ gia nhập công ty mới.
Haizoku gacha- cụm từ mô tả sự không chắc chắn liên quan các nhiệm vụ công việc đã trở thành từ khóa thông dụng ở Nhật Bản. Những người trẻ tuổi ví nó như máy tự động bán đồ chơi dạng viên nang được gọi là gacha-pon hoặc gacha-gacha, thường khiến mọi người phải đoán xem bên trong viên nang có gì cho đến khi họ nhận được món đồ này.
Thị trường việc làm của Nhật Bản hiện đang rất thiếu lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt về nhân tài và mang đến cho người tìm việc nhiều lựa chọn hơn. Theo một cuộc khảo sát gần đây của công ty cung cấp nhân sự Recruit Co, khoảng 85% số sinh viên mới tốt nghiệp đại học bắt đầu làm việc vào năm tới muốn biết họ sẽ được phân công vào đâu trước khi chấp nhận lời mời làm việc.
Theo hệ thống tuyển dụng mới, Sompo Japan Insurance Inc. đã hỏi những người mới được tuyển dụng tiềm năng cho năm tới về sở thích công việc của họ, cho phép họ lựa chọn từ khoảng 30 loại công việc. Sau các vòng sàng lọc và phỏng vấn bắt đầu vào tháng 11, khoảng 300 "tân binh" sẽ được thông báo về nơi họ sẽ bắt đầu sự nghiệp trước khi bắt đầu làm việc vào tháng 4 năm sau, thời điểm bắt đầu năm tài chính tại Nhật Bản.
Nhà sản xuất điện tử Panasonic Holdings cho phép các sinh viên tìm việc lựa chọn từ khoảng 150 vị trí trong tập đoàn, trong khi công ty đồ uống Kirin Holdings quyết định cung cấp 10 lựa chọn chính.
Tỷ lệ sinh giảm và dân số già nhanh đang đẩy Nhật Bản vào "cơn khát" lao động. Theo Viện Dân số và Nghiên cứu An sinh Xã hội quốc gia, dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) của nước này năm 2023 đã giảm 15% so với mức đỉnh năm 1995. Tính đến năm 2040, Nhật Bản có nguy cơ thiếu hụt tới 11 triệu lao động. Mặc dù nước này đã tận dụng các nguồn lực lao động từ lao động nữ cho đến người cao tuổi nhưng nguồn cung vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu.
Để đối phó với tình trạng này, Nhật Bản đang tích cực ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đưa rô-bốt và trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực khác nhau, nhằm đảm bảo cho hoạt động của nền kinh tế không bị gián đoạn. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát hồi tháng 4 năm, thiếu hụt lao động tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng mà Nhật Bản phải đối mặt khi 51% công ty báo cáo không có đủ nhân viên, gần đạt mức cao nhất mọi thời đại là 54% được ghi nhận vào tháng 11/2018. Dữ liệu do Teikoku Databank tổng hợp cho thấy, trong số hơn 27.000 công ty tham gia khảo sát, thiếu lao động nghiêm trọng nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ thông tin, với hơn 70% các công ty trong ngành cho biết họ không có đủ nhân công. Một số công ty còn cho biết, dù công nghệ AI bùng nổ, họ vẫn phải từ bỏ nhiều dự án vì thiếu nguồn lực.
Để khắc phục tình trạng này, không ít công ty Nhật Bản đã có sự phá lệ trong tuyển dụng nhân sự, thậm chí mở rộng tuyển dụng sinh viên ngoại quốc đang theo học tại các trường đại học ở nước này. Các doanh nghiệp kỳ vọng chính phủ sẽ nới lỏng hơn nữa các quy định nhập cảnh để tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động.
Hoàng Dương