Trên sườn dốc của sông băng Shisper chảy qua thung lũng Hunza ở vùng núi cực Bắc Pakistan, Tariq Jamil đang đo và chụp ảnh chuyển động của băng. Sau đó, ông thực hiện một báo cáo căn cứ dữ liệu từ các cảm biến và lắp đặt một camera gần sông băng Shisper để cập nhật thông tin về ngôi làng của ông sau một giờ đi bộ về phía hạ lưu.
Nhiệm vụ của Tariq Jamil, 51 tuổi, là sát cánh cùng cộng đồng gồm 200 hộ gia đình ở Hassanabad (Karakoram, Pakistan) đấu tranh vì tương lai của ngôi làng và cho đời sống của họ, trong bối cảnh băng tan do biến đổi khí hậu. Trái đất nóng lên khiến băng tan chảy, gây ra lũ lụt làm thương vong người, cuốn trôi nhà cửa, cầu đường và gần như đang “quét sạch” vùng đất màu mỡ trên khắp các dãy núi Hindu Kush, Karakoram và Himalayan giao nhau ở phía Bắc Pakistan.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Về núi tích hợp quốc tế (the International Centre for Integrated Mountain Development, ICIMOD), các sông băng ở dãy Himalaya đang có nguy cơ mất tới 75% lượng băng vào cuối thế kỷ này do hiện tượng nóng lên toàn cầu. “Sau khi tất cả các cảm biến đo lượng mưa, lưu lượng nước và mực nước sông, hồ được lắp đặt, chúng tôi sẽ có thể giám sát dữ liệu thông qua điện thoại di động”- ông Tariq Jamil cho biết- “Việc này rất quan trọng, đem lại sự chủ động trong xử lý rủi ro, vì dù gì chúng tôi cũng là những người quan sát chính”.
Ngôi làng của ông Tariq Jamil có kinh phí để thực hiện việc này vì họ được LHQ lựa chọn là một phần trong Dự án Lũ lụt và hồ băng (Glacial Lake Outburst Flood, GLOF) trị giá 36,96 triệu USD nhằm giúp các cộng đồng ở hạ lưu sông băng tan chảy thích nghi với tình hình mới. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn nữa, người dân nơi đây vẫn hi vọng được hỗ trợ nhiều hơn để đối phó và khắc phục các mối đe dọa từ lũ lụt do băng tan chảy gây ra như: Tổ chức các khóa đào tạo về sơ cứu và sơ tán; nâng chiều dài bức tường chắn ngôi làng; các khoản vay không lãi suất để xây dựng, gia cố lại nhà cửa, công trình công cộng… và quan trọng nhất, là nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để thu phát sóng di động, phục vụ tốt hơn cho việc giám sát tình hình băng tan chảy.
Pakistan là quốc gia duy nhất nhận được tài trợ thích ứng từ Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund) bởi có nguy cơ cao nhất trên thế giới phải chịu lũ lụt do băng tan chảy, với 800.000 người sống trong phạm vi 15km (9,3 dặm) cách sông băng. Theo một nghiên cứu tháng 2/2023 được công bố trên Tạp chí khoa học Nature Communications, trong 15 triệu người trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi lũ lụt do băng tan chảy, có 2 triệu người Pakistan. Chẳng hạn, ngôi làng của ông Tariq Jamil trong 3 năm qua, người dân phải liên tục sơ tán kịp thời để tránh thiệt hại về người và của. Hay ở làng Chalt, cách đó vài giờ đồng hồ, lũ lụt do băng tan chảy nhiều năm làm chết người và tàn phá mùa màng.
Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP28 của LHQ dự kiến bắt đầu vào ngày 30/11/2023, áp lực đang gia tăng đối với các quốc gia phát triển trong việc thực hiện lời hứa giúp đỡ các quốc gia đang phát triển. Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund) cho biết, hồi tháng 10/2023, họ đã huy động được 9,3 tỷ USD nhưng chưa đạt được mục tiêu ban đầu là 10 tỷ USD. Các quốc gia phát triển cũng đang chuẩn bị đáp ứng cam kết tài chính khí hậu trị giá 100 tỷ USD cho các quốc gia đang phát triển trong năm nay, chậm 3 năm so với tiến độ và chưa đủ với nhu cầu thực tế (trước đó, LHQ ước tính, cần hơn 200 tỷ USD vào năm 2030 cho khắc phục biến đổi khí hậu).
Quay trở lại ngôi làng của ông Tariq Jamil, một số gia đình đã quyết định rời đi sau nhiều trận lũ quét trong những năm qua. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn còn chần chừ vì 400 năm nay, nhiều thế hệ đã sinh sống nhờ chăm sóc những vườn cây ăn quả được bao quanh bởi trùng trùng điệp điệp núi non, canh tác và chăn thả gia súc ở vùng đồng bằng… hay nói cách khác, họ lo ngại không có đủ nguồn lực để sinh sống ở nơi khác, xa rời nơi chôn cất tổ tiên của họ.
“Nếu phải xa nơi này, chúng tôi sẽ rất nhớ ngôi làng, họ hàng, hàng xóm của chúng tôi. Chuyển về thành thị, sẽ có cảm giác tù túng, chật chội giống như một con chim trong lồng. Tôi chuẩn bị sẵn sàng đương đầu với mọi sự thay đổi nhưng trước mắt, tôi vẫn sẽ tập trung vào việc giữ cho ngôi làng tồn tại. Trách nhiệm của tôi và mọi người là hạn chế thấp nhất thiệt hại của ngôi làng trước bất kỳ thảm họa nào"- ông Tariq Jamil khẳng định.
Tùng Anh (Theo Greenfield)