Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2022, ngành Ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Đến nay có tới 96% ngân hàng tại Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên Internet và Mobile.
Chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế Digitalize to Revolutionize- Định hình nền kinh tế số tương lai diễn ra tại Hà Nội vừa qua, các diễn giả quốc tế và Việt Nam cho rằng, sự phát triển của công nghệ và những mô hình kinh doanh mới đã khiến chuyển đổi số trở thành một yêu cầu mang tính chiến lược, tất yếu đối với sự sống còn của mỗi quốc gia hay DN.
Tại Việt Nam, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP. Hàng loạt các giải pháp, chính sách cũng như nỗ lực của các tổ chức, DN hàng đầu đã tạo nên một Việt Nam đổi mới, số hóa trong nhiều lĩnh vực hoạt động, nhất là lĩnh vực ngân hàng.
Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành một trong những xu hướng không thể đảo ngược, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều hoạt động chuyển đổi số quyết liệt. Theo thống kê của NHNN, đến cuối năm 2022, ngành Ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số và đã đưa Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu (tỷ lệ tăng trưởng 40% về thanh toán số trong 3-4 năm qua). Đến nay có tới 96% ngân hàng tại Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên Internet và Mobile.
Tuy nhiên, triển khai chuyển đổi số một cách toàn diện, hiệu quả và bền vững vẫn là bài toán lớn với nhiều tổ chức, DN ở mọi quy mô. Theo kết quả khảo sát của một số công ty tư vấn chiến lược như McKinsey và BCG, hơn 70% dự án chuyển đổi số tại các DN không đạt được kỳ vọng. Trong chuyển đổi số, yêu cầu đặt ra đối với DN là phải liên tục, sẵn sàng đối mặt với những biến động thị trường, thay đổi hành vi khách hàng, rủi ro đầu tư công nghệ…
Giáo sư David L.Rogers- Chuyên gia tư vấn chiến lược cấp cao về chuyển đổi số với kinh nghiệm tư vấn chiến lược cấp cao cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, CitiGroup, Visa, HSBC chia sẻ, bản chất cốt lõi của chuyển đổi số không hẳn chỉ là chuyển đổi về mặt công nghệ. Quá trình này phải xác định cả việc thay đổi tư duy, áp dụng tư duy mới vào trong chính tổ chức của mình. Bên cạnh đó, các DN phải nghĩ tới dữ liệu vì đây là tài sản đóng vai trò cốt lõi trong chặng đường phát triển của DN trong tương lai.
Đối với lĩnh vực tài chính-ngân hàng, Giáo sư David L.Rogers nhận định, quá trình chuyển đổi số chắc chắn sẽ không dễ dàng. Giáo sư David L.Rogers dẫn số liệu, qua nghiên cứu, có tới 70-80% chiến dịch chuyển đổi số trong các DN đã không mang lại kết quả mong muốn.
Vị chuyên gia này cũng đưa ra nhóm những rào cản với quá trình chuyển đổi số của DN, bao gồm: không có tầm nhìn chung; không có thói quen thử nghiệm; không linh hoạt trong quản trị và không tăng trưởng về năng lực.
Giáo sư David J.Rogers đúc kết, chuyển đổi số không thể chỉ bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao, mà phải được thực hiện từ cấp thấp nhất và gắn kết từ mọi cấp trong tổ chức. Chuyển đổi số không phải một dự án có ngày bắt đầu và kết thúc mà là một quá trình liên tục.
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, Lãnh đạo Ngân hàng Quân đội (MBBank) cho hay: MB thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong hoạt động của Tập đoàn từ năm 2018 qua việc hợp tác chiến lược với Tập đoàn công nghệ IBM (Mỹ). Với ba trụ cột Con người- Nguồn lực- Tốc độ, chiến lược chuyển đổi số của MB đã cải thiện, phát huy văn hóa sáng tạo tập đoàn và phát triển hệ sinh thái số bền vững.
Những nỗ lực chuyển đổi số của MB đã được ghi nhận qua cú nhảy vọt về quy mô khách hàng, nâng con số 5 triệu khách hàng trong 25 năm đầu tiên lên đến 25 triệu trong năm 2023 (tính đến ngày 30/10/2023). MB đạt 1,6 tỷ giao dịch trên kênh số, trong đó, riêng App MBBank có thời điểm ghi nhận 20 triệu giao dịch/ngày.
T.Hà