UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 263/KH-UBND về thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về Sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024. Trong đó, đặc biệt tập trung vào nội dung tiếp tục phấn đấu 60-70% chợ truyền thống; 100% siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) không sử dụng túi nilon khó phân hủy.
Túi nilon sử dụng nhựa polyme làm nguyên liệu chính và được làm dẻo bằng cách thêm một lượng phụ gia thích hợp. Một số thành phần có trong túi nilon rất độc hại cho cơ thể con người. Một số chất phụ gia được thêm vào khi tổng hợp nhựa, chẳng hạn như chất làm dẻo, chất ổn định và chất tạo màu, cũng có thể di chuyển vào thực phẩm trong quá trình tiếp xúc với thực phẩm.
Vì vậy, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2024, giảm 3,5- 4,5% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất dệt may, rượu bia nước giải khát, thép, nhựa. Tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 80%. Trong đó, 85% các khu, cụm công nghiệp và 60% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Tiếp tục phấn đấu 60-70% các chợ truyền thống; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy. Khuyến khích chuyển đổi sử sụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy. Xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
Để đạt được các mục tiêu trên, Hà Nội đề ra một số nội dung triển khai gồm: Đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Tùng Anh