Đó là ý kiến NLĐ đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4 gồm Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM Nguyễn Trần Phượng Trân và Trung tướng Dương Văn Thăng- Phó Chánh án TAND tối cao tại quận 7 chiều 10/10, kết nối trực tuyến với các điểm cầu quận 4, huyện Nhà Bè.
Tại buổi tiếp xúc, đa số ý kiến cử tri đều liên quan đến vấn đề về dân sinh, an sinh xã hội, nhất là nhà ở xã hội, tình trạng lao động thất nghiệp, sửa đổi luật BHXH...
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại TP.HCM
Chị Phạm Ngọc Thắm, cư ngụ khu phố 4, phường Bình Thuận, Quận 7, TP.HCM chia sẻ, qua theo dõi tình trạng NLĐ rút BHXH một lần gần đây thấy rất căng thẳng. Cách đây vài tháng ở Hóc Môn, TP.Thủ Đức nhiều người thức cả đêm để chờ lấy số thứ tự nhận BHXH một lần. Bản thân chị không rút, nhưng nhìn bạn bè, người quen bên cạnh làm công nhân, NLĐ phải rút một lần thấy rất xót xa.
“Tôi xin đề xuất kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội có sự hỗ trợ cho NLĐ vay tiền, để NLĐ giữ được mức đóng BHXH của mình. Theo tôi, Ngân hàng Chính sách xã hội cần phải vào cuộc, có sự hỗ trợ cho NLĐ, rồi công nhân, NLĐ mới có cơ sở để tính toán giữ lại thời gian tham gia BHXH của mình. NLĐ đã có quá trình đóng BHXH thời gian dài rồi, coi như có “tài sản thế chấp”, vậy NLĐ có thể cầm cuốn sổ BHXH đi vay để làm sao NLĐ giữ được quá trình đóng, tiền đóng. Sau này về già mới có được lương hưu, được an nhà mà an sinh xã hội cũng đảm bảo. Nếu Ngân hàng Chính sách xã hội tiên phong làm việc này, đem lại hiệu quả tốt thì tin rằng các ngân hàng cũng sẽ tiếp nối vào cuộc. Khi đó, chắc chắn NLĐ có có hội vay tiền để khỏi rút BHXH một lần”- chị Ngọc Thắm kiến nghị.
Cử tri Trần Thị Hồng Phượng- Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 7 có ý kiến về bất cập tại quy định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà lưu trú công nhân. Theo chị Phượng, yêu cầu “công nhân, NLĐ, chuyên gia đang làm việc tại các DN trong KCN” mới được hưởng chính sách này chưa thỏa đáng. Bởi, không chỉ những người đang làm việc trong các KCB mới có nhu cầu về nhà ở xã hội, mà còn rất nhiều CNLĐ đang làm việc ở DN bên ngoài rất quan tâm và mong muốn được hỗ trợ chính sách về nhà ở.
Nữ công nhân kiến nghị Ngân hàng cho NLĐ vay tiền để khỏi rút BHXH một lần
“Rất mong đối tượng công nhân, NLĐ đang làm việc tại các DN dù trong hay ngoài KCN đều có cơ hội được tiếp cận với chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, Dự thảo quy định các đối tượng như người có thu nhập thấp, CNLĐ trong KCN phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tôi cho rằng tiêu chí này chưa công bằng, chưa thỏa đáng khi dùng để đánh giá phân loại đối tượng cần được hỗ trợ. Ví dụ, tôi không có người phụ thuộc thì mức thu nhập của tôi có thể phải đóng thuế nhưng không có nghĩa là tôi thu nhập cao hơn những người có người phụ thuộc. Hơn nữa, với mức tính thuế thấp như hiện nay thì dù thu nhập tôi trên 11 triệu đồng/tháng cũng sẽ không dư dả với mức sống tại TP.HCM. Nếu theo quy định như Dự thảo, thì khó có cơ hội cho công nhân, NLĐ trẻ được tiếp cận với nhà ở xã hội”- nữ công nhân kiến nghị.
Theo ông Đào Văn Nhỏ, cư trú khu phố 2, phường Phú Thuận, quận 7, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cho giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi là rất hợp lý. Ông cho rằng, qua đó, sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Bên cạnh đó, một số ý kiến cử tri quận 4, Nhà Bè đề nghị xử lý nghiêm tình trạng trốn đóng, nợ BHXH; tăng độ hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện...
Ông Phan Văn Mãi cho rằng, việc cử quan tâm cả những vấn đề lớn về luật pháp, vĩ mô và cụ thể như dân sinh, an sinh xã hội là rất đáng mừng. Đây là những đóng góp thẳng thắn, tích cực để TP.HCM ngày một tốt hơn. Qua đó, ông Mãi đề nghị lãnh đạo các địa phương và sở, ngành có liên quan phải có trách nhiệm đôn đốc vấn đề, giải quyết hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền cao hơn xử lý các kiến nghị mà người dân, NLĐ đưa ra…
Phạm Thọ