Người lớn tuổi tiếp tục tham gia vào lực lượng lao động có thể sẽ là chìa khóa giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực ở Hàn Quốc hiện nay.
Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tỷ lệ lao động ở nhóm dân số độ tuổi 55-79 của xứ sở kim chi đã tăng lên 60%, tương đương hơn 9,3 triệu người. Với đà tăng như vậy, con số này dự kiến sẽ vượt ngưỡng 10 triệu người vào năm 2024, khi ngày càng nhiều người thuộc thế hệ "baby boomer" ra đời trong những năm 1955-1963 gia nhập nhóm dân số già.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy ngày càng nhiều phụ nữ lớn tuổi Hàn Quốc muốn tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu. Năm 2011 có 47,8% phụ nữ trong độ tuổi từ 55-79 muốn làm việc, và con số này năm 2021 vọt lên là 60,3%. Đối với nam giới, tỷ lệ tương ứng là 74% vào năm 2011 và 77,3% vào năm 2021.
"Trước đây tôi làm kế toán cho một công ty lớn. Sau khi nghỉ hưu một thời gian, tôi cảm thấy cuộc sống thật vô vị, nhàm chán. Vì thế tôi đi tìm việc mới và công việc hiện tại khá thú vị. Công việc vẫn gắn liền với những con số, tôi lại gặp được nhiều người để trò chuyện nên thấy rất vui vẻ, đầu óc minh mẫn hơn", một phụ 68 tuổi tên là Oh Mae In kể với Nhật báo JoongAng về công việc thu ngân bà đang làm ở một cửa hàng tiện lợi.
Báo cáo của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc chỉ ra rằng, sức khỏe, tuổi thọ được cải thiện cùng với những nỗi lo liên quan đến kinh tế như chi phí sinh hoạt là các nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lao động cao tuổi gia tăng ở Hàn Quốc. Họ chủ yếu làm những công việc đơn giản, yêu cầu ít hoặc không yêu cầu kinh nghiệm.
Giáo sư Kim Young-sun thuộc Đại học Kyung Hee cho rằng lý do nằm ở sự thay đổi của hoàn cảnh kinh tế - xã hội. "Phụ nữ hiện nay có nền tảng giáo dục, thu nhập, địa vị kinh tế và xã hội khác so với trước đây", báo JoongAng dẫn lời Giáo sư Kim đánh giá.
Theo các chuyên gia, xu hướng nói trên có thể góp phần giải quyết bài toán thiếu lao động do dân số giảm ở Hàn Quốc, bởi vì việc tăng tỷ lệ sinh cần đến một thời gian dài. Để đạt được mục tiêu này, các nhà nghiên cứu thực hiện cuộc khảo sát khuyến nghị cần phải có các sáng kiến để xem xét nguồn cung và hồ sơ của người lao động lớn tuổi. Ông Ahn Jun-ki, người thực hiện nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại dịch vụ thông tin việc làm quốc gia của Hàn Quốc, cho rằng các sáng kiến nên bao gồm việc mở rộng các chương trình hỗ trợ tùy chỉnh cho phụ nữ lớn tuổi và sắp xếp công việc linh hoạt.
Hàn Quốc là xã hội già hóa nhanh nhất thế giới và có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tính đến năm 2022, số con trung bình mà một phụ nữ nước này sinh ra đạt mức thấp kỷ lục là 0,78. Tuổi thọ trung bình của người Hàn Quốc là 86 tuổi trong năm 2021, cao hơn so với 72 tuổi năm 1991, theo dữ liệu từ chính phủ.
Do số người già đông hơn, vào năm 2023, Hàn Quốc bắt đầu ghi nhận số lao động trên 60 tuổi nhiều hơn nhóm trong độ tuổi 20. Tỷ lệ người lao động trên 60 tuổi đạt 16,5%, so với 15,8% ở những người trong độ tuổi 20. Y tế và phúc lợi xã hội là hai lĩnh vực ghi nhận lượng lao động cao tuổi lớn nhất.
Theo báo cáo hồi tháng 4 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cứ 10 người cao tuổi Hàn Quốc thì có hơn 3 người nhận các công việc lương thấp sau khi nghỉ hưu để giúp trang trải chi phí. Lương tháng trung bình của người trên 68 tuổi là 1,8 triệu won (hơn 32 triệu đồng) vào năm 2022, thấp hơn so với 3,11 triệu won (gần 56 triệu đồng) của người 58 tuổi.
Vào tháng 6/2023, Hàn Quốc đã tăng quota tiếp nhận lao động nước ngoài có tay nghề cao lên 30.000 người mỗi năm, so với dự tính ban đầu là 5.000. Năm 2022, con số này chỉ dừng ở mức 2.000. Các nhà chức trách Hàn Quốc cho biết, mức tăng năm nay là lớn nhất từ trước đến nay, và điều đó sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong một loạt ngành công nghiệp như sản xuất và nông nghiệp.
Hoàng Dương