Sáng 16/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế-xã hội.
Kinh tế vẫn là điểm sáng
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược” từ hệ quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như tình trạng lạm phát cao và kéo dài. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự chủ động đồng hành và giám sát hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Cụ thể, ước cả năm có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 68/2022/QH15; có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể; công nghiệp chế biến chế tạo từng được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng trong nhiều năm hiện giờ suy giảm; một số "điểm nghẽn" chưa được tháo gỡ hiệu quả; nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn; DN còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước; thu NSNN 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật cũng như lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm, trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng thể thị trường lao động Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi các chỉ số về lực lượng lao động, chỉ số thất nghiệp, thu nhập của NLĐ cơ bản ổn định, đặc biệt NLĐ Việt Nam đi làm ở nước ngoài đạt 88,39%- tỷ lệ rất cao. Trong lĩnh lực lao động, các chỉ tiêu được Quốc hội giao dự kiến đạt và vượt kế hoạch.
Tuy vậy, thị trường phát triển chậm và chưa bền vững, có sự chênh lệch giữa các vùng miền, tình trạng mất cân đối cung cầu lao động như vùng sâu, vùng xa không có lao động để phát triển kinh tế; dự báo nhu cầu lao động chủ yếu phục vụ ở cấp độ vĩ mô, mang tính chiến lược, chưa thực sự có ý nghĩa với DN và NLĐ. “Liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, 8 tháng đầu năm, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT tăng so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2022 giảm 1,83%; tỷ lệ hộ nghèo, chuẩn nghèo đa chiều năm 2022 giảm 1,17%, ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 5,62%...”- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội thông tin.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy bày tỏ lo ngại, tính đến tháng 9/2023, năng suất lao động mới chỉ tăng 4,8%, nên rất khó đạt mục tiêu đề ra 5-6%. Các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế cũng đánh giá, nếu chỉ tăng 1% năng suất sẽ tác động rất lớn đến tăng GDP. Do vậy, Chính phủ cần quan tâm thêm về chất lượng nguồn nhân lực, năng suất, vốn, kỹ thuật công nghệ và năng lực quản trị. Đồng thời, cần nhận diện các "điểm nghẽn" để có giải pháp cụ thể, gắn các chương trình, đề án với các giải pháp về khoa học, công nghệ.
Điều chỉnh tiền lương phải mang tính cải cách
Góp ý về các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cân đối các nội dung trong báo cáo; cũng như đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, “gạn đục khơi trong” để làm nổi bật các kết quả đạt được, để thấy được nỗ lực của các cơ quan trong năm 2023. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, công tác đối ngoại bao gồm đối ngoại Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân được đẩy mạnh, chủ động triển khai đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng và sôi động... đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tạo uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần bổ sung thêm mục tiêu chung. Trong thời gian tới, phải phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2023, hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2024 để góp phần cho hoàn thành nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ. Đồng thời, tiếp tục bổ sung làm đậm thêm các vấn đề xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình MTQG và sớm xây dựng trình Quốc hội xem xét thông qua Chương trình MTQG về văn hóa.
Tiếp thu các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến tại Phiên họp để hoàn thiện báo cáo. Về chỉ tiêu tăng trưởng, Phó Thủ tướng cho biết, dự kiến mục tiêu năm 2023 không đạt nhưng tăng trưởng 5% vẫn cao so với dự báo, thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao ở khu vực Đông Nam Á; hơn nữa IMF đã điều chỉnh dự báo kinh tế toàn cầu chỉ tăng 2,9%. Có được kết quả tích cực này là do có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, sự đồng hành của Quốc hội và sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ...
Thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo kế hoạch của Trung ương, từ 1/7/2024 sẽ tiến hành cải cách tiền lương. Lần này không chỉ là điều chỉnh lương, tăng lương, tăng thu nhập theo Nghị quyết 27, mà còn gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ CBCC. "Hai việc này đi liền với nhau chứ không phải do điều kiện khó, đời sống khó ta không có tiền để làm, mà cái này là điều chỉnh tiền lương gắn với vị trí việc làm và gắn với tăng cường trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương của CBCC, nên cũng phải tiến hành rà soát, sắp sếp lại đội ngũ CBCC. Những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh… phải có biện pháp xử lý; thậm chí với người vi phạm, yếu năng lực phải đưa ra khỏi bộ máy"- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Vũ Thu