Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, tạo động lực để phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết này được tỉnh Quảng Nam cụ thể hóa bằng nhiều quyết sách, giải pháp phù hợp; đặc biệt là việc tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa Nghị quyết bởi nghệ thuật hô hát Bài chòi.
Cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW
Chính sách BHXH là một trong những thước đo đánh giá sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, chính sách BHXH ngày càng khẳng định vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần nữa khẳng định BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các nghệ sĩ biểu diễn tại Đêm hội Bài chòi
Theo đó, Nghị quyết này đã chỉ rõ sự cần thiết phải phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực xã hội theo truyền thống tương thân tương ái của dân tộc; hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội; kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng-hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh, cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội. Việc phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHXH bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, nâng cao tính hấp dẫn, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia BHXH.
Đặc biệt, đây được coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, DN và của mỗi người dân.
Ngay sau khi Nghị quyết 28-NQ/TW ra đời, Tỉnh ủy Quảng Nam đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 17 ngày 25/10/2018, với những mục tiêu rất cụ thể.
Rất nhiều người dân tham dự các Đêm hội Bài chòi
Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH (năm 2030 đạt 60%); 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp (năm 2030 đạt 45%); 55% số người sau độ tuổi lao động được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội (năm 2030 đạt 60%); chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85% (năm 2030 đạt 90%).
Tuyên truyền Nghị quyết bằng nghệ thuật Bài chòi
Một trong những giải pháp đầu tiên để thực hiện thành công Nghị quyết số 28-NQ/TW, đó là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Tại Quảng Nam, công tác tuyên truyền được thực hiện bằng rất nhiều cách phong phú, đa dạng, trong đó nổi bật nhất là sân khấu hóa Nghị quyết thông qua nghệ thuật hô hát Bài chòi.
Nghệ thuật hô hát Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2017. Với Quảng Nam, nghệ thuật hô hát Bài chòi đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đông đảo người dân. Vì thế, khi chính sách được tuyên truyền qua hình thức hô hát Bài chòi trên sân khấu, sẽ dễ đi vào lòng người, dễ thấm vào lối suy nghĩ của người dân qua các trò chơi dân gian.
Đạo diễn Lê Công Danh phải dành gần 2 tháng nghiên cứu để chuyển thể chính sách và những con số khô khan thành lời hô hát Bài chòi
Là người sáng tác những ca từ hô hát Bài chòi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, đạo diễn Lê Công Danh- Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam vẫn còn thấy “hoang mang” với những quy định, chính sách, văn bản liên quan đến việc tuyên truyền về BHXH tự nguyện. Nhận lời viết ca từ hô hát Bài chòi tuyên truyền về BHXH, ông Danh đã nhận về một thử thách không hề nhỏ.
Cũng theo đạo diễn Lê Công Danh, hô hát Bài chòi theo cách thông thường, theo cảm xúc không khó, nhưng hô hát mà phải đảm bảo được việc tuyên truyền chính sách BHXH mới khó. Do đó, đạo diễn phải dành gần 2 tháng nghiên cứu chính sách, làm sao để chuyển thể những con số, văn bản, quy định thành lời hô hát Bài chòi.
"Có thể khi chuyển thể không được như những lời hô hát Bài chòi một cách tự do, viết phải bám sát không làm sai lệch chính sách. Khi diễn viên hô hát Bài chòi theo những câu dân ca cổ thì thu hút người xem hơn, nên cũng phải làm sao đưa tính uyển chuyển của Bài chòi vào tuyên truyền chính sách cho dễ nghe, dễ gần; diễn viên phải diễn sao cho tạo nên không khí vui vẻ để người nghe cuốn vào trò chơi nhưng vẫn hiểu về chính sách…”- đạo diễn Lê Công Danh chia sẻ.
Những ca từ dễ đi vào lòng người khi nghệ sĩ ngân lên những câu hát sắc bùa rộn ràng: “Muôn hoa phơi phới đang vẫy chào/ Quảng Nam ngày mới hòa nhịp vào tương lai/ Bài chòi khai hội mà hôm nay/ Tuyên truyền bảo hiểm xã hội cho toàn dân ta/ Chăm lo cuộc sống muôn nhà/ An sinh xã hội đó là phương châm/ Mọi người ta hãy mà tham gia/ Toàn dân già, trẻ đó đây chung lòng…”.
Nhiều khán giả tích cực tham gia trò chơi trong Đêm hội Bài chòi
Và rồi, khán giả dần dà bị cuốn vào những làn điệu của các thể loại hát, lý, ca dân gian. Một buổi biểu diễn gồm 3 nội dung là hát múa về ngành BHXH, mini game (trò chơi ngắn) tìm hiểu chính sách BHXH tự nguyện, hô hát Bài chòi tuyên truyền BHXH tự nguyện. Vừa nghe chính sách theo cách không gây nhàm chán, vừa được tham gia trò chơi, lại được hiểu thêm về nghệ thuật hô hát Bài chòi của quê hương, khiến người dân cảm thấy hứng thú khi tham gia các buổi tuyên truyền do BHXH tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam tổ chức.
Còn nhớ Đêm hội Bài chòi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện lần đầu tiên tổ chức ở xã biên giới A Nông (huyện Tây Giang) đã thu hút rất đông người dân tới thưởng thức. Tây Giang là huyện miền núi xa xôi của tỉnh Quảng Nam, đời sống nhân dân với phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thế nên một đêm tuyên truyền chính sách với hình thức hô hát Bài chòi khiến người dân rất thích thú.
Chị ALăng Thị Ươi (thôn A Rớt, xã A Nông) phấn chấn chia sẻ: “Đêm hội Bài chòi rất ý nghĩa. Hô hát Bài chòi nói về chính sách BHXH tự nguyện để nhân dân biết, tìm hiểu thế này, tôi thấy rất vui và sinh động. Qua đó, tôi cũng hiểu khi tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện thì về già có tiền lương hưu sẽ khỏe hơn, không lo lắng về sau”.
Người dân tìm hiểu chính sách BHXH tại Đêm hội Bài chòi
Hay như ông Blúp Tốt ở thôn A Nonh (xã A Nông) khi nghe tin BHXH tỉnh và Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Đêm hội Bài chòi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tại trụ sở UBND xã, ông đã đến rất sớm, rồi chăm chú lắng nghe, nhiệt tình tham gia và may mắn nhận quà của chương trình. “Tôi xem hô hát Bài chòi trên tivi rồi, nhưng đây là lần đầu tiên có đoàn về địa phương biểu diễn để chúng tôi xem. Không những được nghe về nghệ thuật truyền thống của tỉnh, tôi còn có cơ hội tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện thông qua các câu hát rất mới lạ”- ông Tốt chia sẻ.
Việc tuyên truyền chính sách BHXH ở các xã biên giới đã được thực hiện rất nhiều lần, nhưng vẫn chưa thực sự thu hút người dân tham dự. Song, khi tuyên truyền chính sách BHXH thông qua hình thức hô hát Bài chòi đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người dân. Do đó, huyện Tây Giang đã giao các hội, đoàn thể tích cực triển khai các hình thức tuyên truyền, trong đó chú trọng tuyên truyền qua hình thức hô hát Bài chòi, giúp người dân ngày càng hiểu rõ và tích cực tham gia BHXH.
Chuyển biến trong thực hiện chính sách an sinh
Theo ông Nguyễn Thanh Danh- Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam, kể từ khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW, BHXH tỉnh đã cùng các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp phát triển BHXH tự nguyện trong nhân dân. Bên cạnh chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện theo Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh, công tác tuyên truyền, đưa chính sách đến với người dân đóng vai trò rất quan trọng.
Đại diện BTC tặng quà cho người dân tham gia trò chơi tại Đêm hội Bài chòi
“Hình thức tuyên truyền bằng Bài chòi mới lạ, gần gũi, sinh động, nên thu hút được người dân tham gia, lắng nghe. Đây là cách làm tạo được hiệu ứng tích cực và là giải pháp đổi mới hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao chất lượng truyền thông về BHXH tự nguyện. Qua hình thức này, chính sách đã đến được với người dân, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển chính sách BHXH nói chung và chính sách BHXH tự nguyện nói riêng trên địa bàn tỉnh…”- ông Danh chia sẻ.
Thông tin từ Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW và Chương trình hành động số 17 của Tỉnh ủy, chính sách BHXH đã thể hiện được vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Đáng chú ý, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH tới NLĐ và người dân được chú trọng. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị-xã hội, DN và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHXH được nâng lên.
Những Đêm hội Bài chòi mang lại thành công ngoài mong đợi
Kết quả, đến hết năm 2022, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, toàn tỉnh Quảng Nam đã có 215.641 người tham gia BHXH, chiếm 28,64% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 19,54% so với 2018). Trong đó, tham gia BHXH bắt buộc có 194.067 người, tham gia BHXH tự nguyện có 21.574 người, tham gia BH thất nghiệp có 180.194 người. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 101.522 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, chiếm 58,49% số người sau độ tuổi nghỉ hưu (vượt 3,49% so với mục tiêu đề ra). Kết quả đánh giá chỉ số hài lòng của người tham gia BHXH qua các năm 2021, 2022 đều vượt so với chỉ tiêu đề ra tại Chương trình hành động số 17 của Tỉnh ủy Quảng Nam. Cụ thể: Năm 2021 có 99% người dân đánh giá hài lòng và 1% không có ý kiến; năm 2022 có 97,53% người dân đánh giá hài lòng và 2,47% không hài lòng…
Những con số biết nói trên thêm một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của chính sách BHXH trong trụ cột an sinh xã hội. Đặc biệt, Nghị quyết số 28-NQ/TW thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng thực hiện chính sách BHXH ở từng cơ sở, bảo đảm gần dân, sát dân và mang lại sự hài lòng của nhân dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thanh Dũng- Lê Diễm