Lão hóa là một quá trình tự nhiên, liên tục, xảy ra từ thời điểm một người được sinh ra và trở nên rõ rệt hơn ở độ tuổi trung niên trở lên. Lão hóa liên quan đến sự suy giảm dần dần cả về năng lực thể chất và tinh thần, được đánh dấu bằng sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh và cuối cùng là tử vong.
Mặc dù mỗi người đều già đi song quá trình lão hóa chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm di truyền, cũng như sự khác biệt về môi trường vật lý và xã hội. Mặc dù ít được thảo luận nhưng nghèo đói cũng là yếu tố ảnh hưởng đến lão hóa.
Cụ thể, theo nhiều nghiên cứu, người nghèo có thể gặp một số triệu chứng liên quan đến lão hóa sớm như:
Thể chất hạn chế: Một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí The European Journal of Ageing xuất bản năm 2019 đánh giá mối liên hệ giữa nghèo đói và lão hóa sớm, thông qua một số bài kiểm tra thường được sử dụng để đo lường thể chất như hiệu suất nâng ghế, độ bám tay, khả năng giữ thăng bằng, chiều cao bước nhảy… cho thấy, những người trưởng thành sống dưới mức nghèo tương đối trong 4 năm trở lên có thể chất kém hơn hẳn so với những người ổn định về tài chính.
Chức năng nhận thức kém hơn: Nghèo đói luôn có liên quan đến sự thiếu hụt chức năng nhận thức. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Al Hazzouri trên Tạp chí Y tế Dự phòng Hoa Kỳ xuất bản năm 2016 cho thấy, những người trung niên từng trải qua cảnh nghèo đói có điểm đánh giá chức năng nhận thức thấp hơn, căn cứ vào kết quả phân tích trí nhớ bằng lời nói, hiệu suất, tốc độ và kỹ năng điều khiển cơ thể, hiệu suất nhận thức, tốc độ xử lý thông tin.
Tăng mức độ viêm nhiễm và đề kháng kém: Mức độ viêm nhiễm và đề kháng kém tỷ lệ thuận với việc tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong, tất cả đều liên quan đến lão hóa. Mức độ viêm nhiễm được đánh giá bằng cách tính toán số lượng tế bào miễn dịch trong máu gây ra tình trạng viêm nhiễm toàn thân. Ví dụ, mức độ cao các tế bào viêm như Interleukin-6 và yếu tố hoại tử khối U-α đã được phát hiện ở người gặp khó khăn về kinh tế trong 4 năm trở lên. Tương tự, một nghiên cứu được công bố bởi Thư viện Y khoa Quốc gia ghi nhận, tình trạng nghèo đói ở độ tuổi từ 20-70 là một trong những nguyên nhân đưa đến bệnh huyết áp cao, rối loạn nhịp tim, tăng cholesterol, chỉ số khối cơ thể, huyết sắc tố glycated (glycated hemoglobin), c-reactive protein, albumin… Trong nghiên cứu này, các chuyên gia còn đưa ra nhận định: “Một người ở độ tuổi 40 sống trong trong tình trạng nghèo hoặc cận nghèo có mức độ rủi ro sinh học tương tự như một người khoảng 60 tuổi trong một gia đình khá giả”.
Khởi phát sớm các bệnh không lây nhiễm (NCD): Từ trước đến nay, mối quan hệ giữa các bệnh truyền nhiễm và nghèo đói đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra. Gần đây, các nhà khoa học tiếp tục khẳng định nguy cơ phát triển các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, đột quỵ, đau tim và ung thư ở người có tình trạng kinh tế- xã hội thấp. Hơn nữa, nghèo đói còn làm tăng nguy cơ tử vong và tàn tật do những căn bệnh này.
Mất sớm: Lão hóa sớm ở người nghèo sẽ dẫn đến mất sớm. Ngay cả khi rủi ro sinh học giữa người nghèo và người không nghèo tương tự nhau, thì người không nghèo vẫn có tuổi thọ ngắn hơn người nghèo khoảng 20 năm. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2022 cho thấy, nguy cơ tử vong sớm ở người nghèo thậm chí còn tăng cao hơn khi kết hợp với một số yếu tố khó khăn trong thời thơ ấu như nhà ở chật chội hoặc thiếu vắng cha mẹ. Người trải qua 2 trải nghiệm bất lợi trong thời thơ ấu khi trưởng thành có nguy cơ tử vong sớm cao hơn 27%; người trải qua 4 trải nghiệm bất lợi có nguy cơ tử vong sớm cao hơn tới 45%.
Như vậy, một trong những giải pháp để chống lại tình trạng lão hóa sớm ở các cộng đồng nghèo khó là đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tạp chí Y tế Dự phòng Hoa Kỳ đề xuất các Chính phủ, tổ chức từ thiện, tổ chức kinh tế- xã hội chăm lo nguồn lực cho người nghèo để họ có thể có đầy đủ lương thực, thực hiện lối sống lành mạnh và tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Chẳng hạn, Viện Y tế Quốc gia Mỹ (The National Institutes of Health, NIH) trong nhiều năm qua là một trong những tổ chức cung cấp nhiều kinh phí nhất thế giới cho nghiên cứu y học. Chỉ riêng năm 2022, NIH đầu tư gần 45 tỷ USD cho những nghiên cứu nỗ lực cải thiện sức khỏe con người; trong đó, hỗ trợ 75% tiền lương cho các nhà nghiên cứu đang làm việc trong tối thiểu 2 năm và lên tới 50.000 USD cho các nhóm liên ngành. Hy vọng nỗ lực nghiên cứu bằng các chiến lược xóa đói giảm nghèo sẽ giải quyết căn bản mối liên hệ giữa nghèo đói và lão hóa sớm.
Tùng Anh (Theo NIH)