Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung Quốc đã hứng chịu thiên tai hàng loạt, dẫn đến thiệt hại lớn về người và của.
Theo thống kê chính thức, trong 3 quý đầu năm 2023, các thảm họa thiên nhiên ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 90 triệu người, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp hơn 308 tỷ nhân dân tệ (tương đương 43 tỷ USD). Ngoài bão lũ, mưa lụt, thảm họa địa chất và hạn hán, nhiều nơi ở Trung Quốc còn hứng chịu mưa đá, động đất, bão cát và cháy rừng với các mức độ khác nhau.
Chỉ trong tháng 9 vừa qua, thiên tai đã khiến khoảng 2,75 triệu người phải sơ tán và tái định cư khẩn cấp, và 118.000 ngôi nhà bị sập. Hơn 9.700 triệu ha cây trồng bị tàn phá.
Trong 3 quý đầu năm, tổng cộng 35 trận mưa cực lớn đã xảy ra ở khắp Trung Quốc, với lượng mưa tích lũy là 534mm. Mưa lớn còn gây ra lũ lụt trên núi và các thảm họa địa chất khác ở một số vùng. Số liệu được các nhà chức trách công bố cho thấy, gần 52 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và thảm họa địa chất, trong đó có 405 người chết hoặc mất tích, hơn 112.000 ngôi nhà bị sập.
Từ đầu năm đến nay, có tới 14 cơn bão hoành hành ở tây bắc Thái Bình Dương và Biển Đông, ít hơn mức trung bình cùng kỳ nhiều năm. Trong số này có 4 cơn bão đã đổ bộ vào Trung Quốc, khiến 8 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó 8 người tử vong và mất tích. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 32 tỷ nhân dân tệ. Chịu tác động nặng nhất là hai tỉnh ven biển Phúc Kiến phía Đông Trung Quốc, và Quảng Đông phía Nam.
Hồi giữa tháng 7, Trung Quốc hứng cơn bão đầu tiên trong năm nay- bão Talim. Trận cuồng phong tấn công đất liền 2 lần, tại Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông và Bắc Hải Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, ảnh hưởng đến hơn 1,12 triệu người ở Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam.
Sau đó vào cuối tháng 7, siêu bão Doksuri ập đến mang theo mưa xối xả ở nhiều nơi thuộc 5 tỉnh phía bắc, buộc các nhà chức trách phải đưa các khu vực chứa lũ tại Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc vào sử dụng. Theo Đài Truyền hình Trung Quốc (CCTV), hơn 31.000 người đã được sơ tán ở Bắc Kinh, và nửa triệu người khác được sơ tán ở Phúc Kiến.
Sau thảm họa, Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ khoảng 400 triệu nhân dân tệ để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ và phục hồi ở những vùng bị lũ lụt, bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Hắc Long Giang và Cát Lâm.
Trên toàn Trung Quốc, 33 hiện tượng thời tiết đối lưu khắc nghiệt đã xảy ra, khiến gần 5,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi mưa đá ở các mức độ khác nhau, 53 người thiệt mạng, hơn 1,1 triệu ha cây trồng bị tàn phá.
Tổng cộng 59 trận động đất từ cấp 4 trở lên cũng xảy ra ở Trung Quốc đại lục nhưng số trận động đất vừa và mạnh giảm đáng kể, thiệt hại do thiên tai nhẹ hơn cùng kỳ các năm trước. Khoảng 21.000 ngôi nhà bị hư hại. CCTV News đưa tin, 21 người bị thương và 126 tòa nhà bị sập sau khi trận động đất mạnh 5,5 độ richter xảy ra ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc hôm 8.10.
Trên khắp Trung Quốc chứng kiến tổng cộng 308 vụ cháy rừng khiến 5 người thương vong. Tổng số vụ cháy rừng ở mức thấp kỷ lục, ít hơn 192 vụ so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo phân tích của công ty nghiên cứu XDI có trụ sở tại Sydney, Australia, các tỉnh của Trung Quốc chiếm hơn một nửa trong danh sách 50 quốc gia và tỉnh hàng đầu thế giới có nguy cơ xảy ra thảm họa liên quan đến khí hậu cao nhất vào năm 2050.
Hoàng Dương