Hoạt động thanh toán đã có sự thay đổi rõ nét trong thời gian qua. Thanh toán không tiền mặt, thanh toán thẻ đã “len lỏi” vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ, và trong đời sống”- chia sẻ của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng tại Hội thảo Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai diễn ra sáng 26/9 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thanh toán không tiền mặt, thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ và trong đời sống hằng ngày. Trước đây, khi nói tới thanh toán thẻ không dùng tiền mặt chỉ thấy ở siêu thị lớn, giờ chúng ta có thể thấy ở mọi nơi, mọi hoạt động thường nhật.
Mọi hoạt động kinh tế đều liên quan tới thanh toán, từ mua tới bán dịch vụ, nhận và trả tiền. Hiện cả nước có hơn 100 triệu thẻ đã được phát hành tới người dùng, nhiều hình thức thẻ mới ra đời, tiêu chuẩn bảo mật ngày càng nâng cao. Đặc biệt, số hóa thẻ ngân hàng để khách hàng không cần cầm thẻ vật lý, tránh rủi ro mất mát, bị lợi dụng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Minh- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng nhận định thẻ là phương tiện thanh toán phổ biến và đã đi vào đời sống của người Việt Nam nhiều năm qua. Theo ghi nhận từ hệ thống NAPAS, số lượng và giá trị giao dịch rút tiền mặt ngày càng có xu hướng giảm đã cho thấy sự chuyển dịch thói quen của người dân từ rút tiền tại ATM sang sử dụng thẻ để thanh toán trực tiếp tại các điểm chấp nhận thanh toán như nhà hàng, siêu thị... và thanh toán mua hàng trực tuyến.
Cụ thể, tính tháng 8/2023, giao dịch rút tiền mặt tiếp tục giảm 15% về số lượng và 19% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số lưu ý, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã thay đổi. Ông Minh dự đoán từ nay đến cuối năm sẽ còn giảm nhanh hơn nữa những giao dịch trên ATM.
Tại hội thảo, các tham luận cũng hướng tới việc đánh giá hoạt động thẻ tại thị trường Việt Nam, nêu lên các vướng mắc và đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán điện tử đến đông đảo người dân; đồng thời, đưa ra nhận định về xu hướng thanh toán trong tương lai…
TS.Cấn Văn Lực- chuyên gia kinh tế cho hay Việt Nam thanh toán không tiền mặt tăng tương đối nhanh. Về số lượng giao dịch tăng đến 70% trong 3 năm, giá trị giao dịch tăng 35%. Cũng theo ông Lực, Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển thanh toán không tiền mặt nói chung.
Cũng theo ông Lực, hành lang pháp lý, định hướng của Ngân hàng Nhà nước về thanh toán không tiền mặt đã rất rõ ràng nhưng vẫn cần phải làm nhanh hơn. “Đó là xu hướng, vừa là cơ hội, giúp cho Chính phủ chống tham nhũng. Thanh toán không tiền mặt là phương án chống tham nhũng hiệu quả thứ hai”- ông Lực nhấn mạnh.
TS.Nguyễn Quốc Hùng- Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết vấn đề phát triển thẻ cần đảm bảo sự an toàn, tiện ích kết hợp làm sao người dân trong nước có thể sử dụng thẻ quốc tế. Hiện nay một số trường đại học kết hợp với ngân hàng thanh toán tiền học phí thông qua thẻ nội địa. Đây là hình thức rất mới, song vẫn còn chưa thuận tiện như Visa, Master nên trong thời gian tới cần phải cải thiện thêm.
Hà Thuỷ