Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi làm việc với BHXH TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH giai đoạn 2016- 2023 và góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Báo cáo với Đoàn, ông Lò Quân Hiệp- Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công tác tham mưu đề xuất luôn được BHXH TP.HCM chú trọng. Hằng năm, BHXH Thành phố đã chủ động tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM ban hành trên 50 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn phù hợp với pháp luật và tình hình thực tiễn. Việc ban hành các văn bản chỉ đạo đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và người dân; ý thức chấp hành pháp luật về BHXH tại các DN từng bước được nâng lên, người dân ngày càng nhận thức được tầm quan trọng trong việc tham gia BHXH.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM làm việc với BHXH TP.HCM
Song song đó, việc tuyên truyền Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH; Nghị quyết số 28-NQ/TW với nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp theo hướng chuyên nghiệp hóa cả về nội dung và phương thức tiếp cận; kết hợp hài hòa giữa các hình thức tuyên truyền truyền thống và hiện đại, đa phương tiện trên các ứng dụng internet, tư vấn, giải đáp chế độ, chính sách trên Hệ thống chăm sóc khách hàng (Call center), Hệ thống trả lời tự động (Chatbot), Cổng Thông tin điện tử và Trang Fanpage BHXH Thành phố. Theo đó, từ năm 2016 đến năm 2023, BHXH TP.HCM tổ chức trên 3.390 hội nghị tuyên truyền, 21.395 cuộc tư vấn nhóm nhỏ, có 65.521 đơn vị và trên 685.000 người tham dự. Công tác tuyên truyền đã từng bước thay đổi nhận thức trong cán bộ, đảng viên và người dân, hiểu được chính sách BHXH.
“Nghị quyết số 21-NQ/TW giao chỉ tiêu đến năm 2020 có 50% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH. Kết quả năm 2019, số NLĐ tham gia BHXH trên địa bàn là 2.507.689 người, đạt 52,49% LLLĐ trong độ tuổi. So với chỉ tiêu giao của Nghị quyết đã vượt 2,49% và hoàn thành trước thời hạn 1 năm. Đồng thời, Nghị quyết số 28-NQ/TW giao chỉ tiêu đến năm 2025 có 45% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH. Kết quả, năm 2021 số NLĐ tham gia BHXH là 2.342.756 người, chiếm 50,68% LLLĐ trong độ tuổi (vượt 5,68% so với chỉ tiêu Nghị quyết); Năm 2022, số lượng NLĐ tham gia BHXH là 2.661.135 người, chiếm 56,68% LLLĐ trong độ tuổi (vượt 11,68% so với chỉ tiêu Nghị quyết). 9 tháng đầu năm 2023 số NLĐ tham gia BHXH là 2.506.612 người, chiếm 54,2% LLLĐ trong độ tuổi (vượt 9,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW). Mặc dù, các năm 2020, 2021 ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến số người tham gia BHXH của Thành phố rất lớn”– Ông Lò Quân Hiệp nhấn mạnh.
Cũng trong giai đoạn này, theo ông Hiệp, BHXH TP.HCM đã tích cực, chủ động mở rộng người tham gia BHXH bắt buộc. Trong đó, BHXH Thành phố đã đề ra nhiều giải pháp để khai thác số đơn vị và người tham gia thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia trong đó khai thác từ nguồn dữ liệu ngành thuế và nguồn từ ngành Kế hoạch và Đầu tư. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật BHXH tại các ĐVSDLĐ; cử cán bộ trực tiếp xuống từng DN để kiểm tra, đôn đốc thu nộp BHXH; kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước về việc kiểm tra đối với các đơn vị chậm đóng, nợ đọng BHXH kéo dài...
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã làm thay đổi rõ rệt nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật BHXH của chủ DN; quyền lợi của NLĐ được đảm bảo đúng quy định; đồng thời kịp thời xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH. Qua đó, góp phần tăng thu, giảm tình trạng chậm đóng và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia BHXH. Đặc biệt, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm của việc tham gia BHXH, BHYT; từ đó củng cố niềm tin vững chắc trong toàn xã hội về các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách BHXH, BHYT.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Lãnh đạo BHXH TP.HCM, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, việc làm của NLĐ. Ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của một số ĐVSDLĐ chưa cao. Công tác quản lý việc cấp phép của các DN mới thành lập chưa có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng gây khó khăn cho công tác thu hồi do DN không hoạt động đúng địa chỉ trên giấy phép. Bên cạnh việc chuyển hồ sơ thanh tra sang cơ quan công an để khởi tố hình sự nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào bị xử lý hình sự về tội danh trốn đóng BHXH. Những trở ngại này đã ảnh hưởng đến việc được tham gia BHXH của nhiều NLĐ trên địa bàn.
Ông Lò Quân Hiệp trao đổi cùng các đại biểu
Ông Lò Quân Hiệp cho hay, trong thời gian tới sẽ thúc đây phát triển BHXH bắt buộc bằng giải pháp tiếp tục thực hiện rà soát, phát triển người tham gia từ dữ liệu thuế, dữ liệu Bộ Kế hoạch đầu tư; dữ liệu từ Ban quản lý các KCX-KCN. Chú ý các đơn vị thuộc lĩnh vực xây dựng, bảo vệ, vận tải... Đề nghị Cục thuế Thành phố cung cấp dach sách chi tiết NLĐ, tiền lương của từng cá nhân trong các đơn vị này để có căn cứ rà soát phát triển người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan Công an, Viện kiểm sát về việc thu thập hồ sơ kiến nghị xử lý hình sự đối với đơn vị vi phạm.
Tại buổi làm việc, BHXH TP.HCM cũng đưa ra nhiều đề xuất góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó, đáng chú ý có một số nội dung như: Tại Điều 30 quy định, NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Với quy định này, BHXH TP.HCM mong muốn sửa đổi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ là tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH không bao gồm các khoản tiền thưởng theo quy định của BLLĐ; tiền làm thêm giờ; các khoản bồi dưỡng bằng hiện vật; các khoản hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân chết, có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị TNLĐ-BNN.
Cũng liên quan đến tiền lương đóng BHXH, cơ quan BHXH TP.HCM kiến nghị sửa tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc tại Điều 30 (dự thảo) ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ, thấp nhất bằng một nửa mức LTT tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cao nhất bằng 8 lần mức LTT tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Lý do đề xuất là để phù hợp với định hướng tại khoản 8 Mục III Nghị quyết số 28- NQ/TW đề ra nội dung cải cách chính sách về tiền lương.
Liên quan nội dung hưởng BHXH một lần, Giám đốc BHXH TP.HCM cho rằng, hai phương án mà dự thảo luật đưa ra cũng đang gặp những ý kiến trái chiều từ NLĐ. Vì vậy, đề xuất sửa Luật BHXH quy định theo hướng tăng thời gian được rút BHXH một lần sau khi nghỉ việc theo lộ trình (hiện nay là sau 12 tháng) đối với người tham gia trước khi Luật BHXH này có hiệu lực. Mức hưởng BHXH một lần vẫn giữ nguyên như hiện nay. Đồng thời không cho rút BHXH một lần đối với người bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện sau ngày Luật BHXH này có hiệu lực. Bên cạnh đó, giao ngân hàng Chính sách xã hội có các chính sách cho NLĐ nghỉ việc, có đóng BHXH vay ưu đãi.
Hàng loạt nội dung khác nhằm góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đã được cơ quan BHXH đưa ra tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã thảo luận các nội dung liên quan mức đóng, hưởng BHXH; đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện; quy định về hưởng BHXH một lần; chế tài đối với hành vi trốn đóng BHXH…
Kết luận buổi làm việc, ông Hà Phước Thắng - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM đánh giá cao sự chủ động của Ban Giám đốc BHXH TP.HCM trong việc thông tin đến Đoàn ĐBQH TP.HCM những kết quả cũng như khó khăn, trở ngại trong thực hiện chính sách BHXH giai đoạn 2016 – 2023; đồng thời đưa ra nhiều ý kiến góp ý thiết thực, xác đáng liên quan đến Luật BHXH (sửa đổi). Những nội dung này sẽ được Đoàn ĐBQH TP.HCM tiếp thu, ghi nhận và tổng hợp đầy đủ để báo cáo Quốc hội.
Phạm Thọ