Bộ Y tế đang xây dựng danh mục giá mới của 10.000 dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ.
Tại Hội nghị thường niên CLB Giám đốc BV khu vực phía Bắc năm 2024 diễn ra cuối tuần qua, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, cách tính giá viện phí "tính đúng, tính đủ" theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới có hiệu lực từ 1/7/2024. Theo đó, cách tính viện phí mới sẽ áp dụng theo quy định trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Giá hiện hành. Cụ thể, 4 nhóm chi phí sử dụng để tính giá bao gồm: Chi phí nhân công (tiền lương, tiền công phù hợp loại hình cung cấp dịch vụ); chi phí trực tiếp sử dụng cho KCB (máu, thuốc, dịch truyền, vật tư y tế); chi phí khấu hao thiết bị và chi phí quản lý.
Trong đó có chi phí nhân công (tiền lương, tiền công phù hợp với loại hình cung cấp dịch vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định); chi phí trực tiếp (chi phí thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu và chi phí nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng sử dụng trong KCB và các khoản chi phí trực tiếp khác).
Giá dịch vụ y tế cũng được tính các chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định và chi phí quản lý (bao gồm chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, CNTT, chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, chi phí quản lý chất lượng, lãi vay (nếu có) và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động KCB).
Trong 4 nhóm yếu tố trên, chi phí quản lý là yếu tố cấu thành mới được thêm vào trong xây dựng giá lần này. Đây là lần đầu tiên chi phí quản lý được đưa vào viện phí. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc điều chỉnh viện phí sẽ cân đối với khả năng chi trả của người dân, hài hòa lợi ích người cung cấp và sử dụng dịch vụ, yếu tố thời điểm cũng như lộ trình của Chính phủ.
Cũng theo đại diện Cục Quản lý giá, việc định giá dịch vụ KCB bảo đảm các nguyên tắc: Bù đắp chi phí thực hiện KCB phù hợp với quy định; hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ sở KCB và người bệnh. Đồng thời, rà soát các yếu tố hình thành giá để điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.
Giá dịch vụ KCB có 3 loại gồm: Các dịch vụ do BHYT thanh toán; do NSNN thanh toán; dịch vụ y tế không do quỹ BHYT thanh toán. Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng danh mục giá mới của 10.000 dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ kể trên. Để xây dựng được giá này, trong tháng 3, Bộ Y tế sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ tính giá.
Từ 1/7/2024, các cơ sở KCB phải thực hiện công khai thông tin về giá dịch vụ y tế tại đơn vị mình trên trang điện tử (nếu có) hoặc hình thức thích hợp và cập nhật vào CSDL về giá. Cơ sở KCB công lập tự quyết định giá dịch vụ KCB theo yêu cầu và phải kê khai, niêm yết công khai giá dịch vụ theo yêu cầu. Cơ sở KCB tư nhân được quyền quyết định và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ KCB. Cơ sở KCB được đầu tư theo phương thức đối tác công-tư quyết định giá dịch vụ KCB theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công-tư.
Hà Hùng