BHXH ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Ngoài những nhóm chủ thể bắt buộc tham gia BHXH, NLĐ tự do cũng có thể tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện và được hưởng những quyền lợi của chính sách.
Sau khi nghỉ làm việc ở một DN, chị Nguyễn Âu Như Yến (ngụ phường 4, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) mở tiệm tạp hóa nhỏ buôn bán tại nhà. Thu nhập hàng ngày chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình nhưng chị vẫn quyết định dành một khoản tiền để mỗi tháng đóng BHXH tự nguyện, bởi theo chị chính sách này rất có lợi cho mình sau này. “Em đóng BHXH tự nguyện hàng tháng chỉ với 297 nghìn đồng, số tiền không lớn nhưng đó là khoản tiền em dành dụm để sau này già yếu có được một khoản tiền trang trải cuộc sống, khi được hưởng lương hưu còn được cấp thẻ BHYT nên em đã tự nguyện tham gia để dành cho tương lai sau này”, chị Yến chia sẻ.
Chị Nguyễn Âu Như Yến (bìa phải) đóng tiền tham gia BHXH tự nguyện
Cũng giống như chị Yến, chị Lâm Kim Hoa (xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề) cũng là người đang tham gia BHXH tự nguyện, mỗi tháng đóng 407.000 đồng, chị xem đây như một khoản tích góp để mình nhẹ nỗi lo tài chính mai này. Chị Hoa cho biết chị đang làm công cho một tiệm thuốc Bắc, chị rất phấn khởi vì biết được bản thân sẽ có rất nhiều lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. “Sau này mình già yếu, không còn khả năng lao động thì mình sẽ có được lương hưu để trang trải chi phí sinh hoạt, không phụ thuộc vào con cháu, bên cạnh đó còn được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu, tôi thấy BHXH tự nguyện có quá nhiều lợi ích thiết thực cho cuộc sống của người lao động tự do như tôi sau này”- chị Hoa nói.
Để người dân biết và hiểu được ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện, thời gian qua, BHXH tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các địa phương và các Sở, ban, ngành, hội đoàn thể tăng cường tiếp cận người dân để tuyên truyền, triển khai chính sách BHXH tự nguyện, cùng với đó kết hợp với các hình thức như truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các kênh truyền thông của BHXH tỉnh như: Cổng Thông tin điện tử, Zalo OA, Youtube, Fanpage BHXH tỉnh, đồng thời thực hiện chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội của các sở, ngành, hội, đoàn thể. Qua đó, giới thiệu về mức đóng, phương thức đóng và trọng tâm là các vấn đề liên quan đến các chế độ, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, nhấn mạnh việc tham gia BHXH tự nguyện là một hình thức tiết kiệm nhằm “tích lũy khi trẻ - vui khỏe khi già”, giúp giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật.
Tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh Sóc Trăng có 13.204 người tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên con số này chưa đạt theo yêu cầu đặt ra. Ông Lâm Thanh Thiên - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng cho biết việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện tại tỉnh Sóc Trăng hiện nay gặp không ít khó khăn khi đời sống kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, mức thu nhập thấp; nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, người dân chưa hiểu rõ những chế độ, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. Việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã khó, việc duy trì người đã tham gia cũng gặp không ít trở ngại. Đặc biệt, khi chuẩn nghèo đa chiều có sự thay đổi. Điều này tác động trực tiếp đến những người đang tham gia BHXH tự nguyện và gây ra những khó khăn trong công tác duy trì và phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh.
Để duy trì và phát triển số lượng người tham gia BHXH tự nguyện những tháng cuối năm 2023, theo ông Lâm Thanh Thiên, BHXH tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung tranh thủ hơn nữa sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong triển khai thực hiện chính sách BHXH, trong đó đưa nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên, ít nhất mỗi cán bộ, đảng viên phải vận động 1 thân nhân tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên ở các chi, đảng bộ phải tham gia BHXH tự nguyện đầy đủ nếu thuộc đối tượng tham gia. Bên cạnh đó, tăng cường mở rộng phối hợp với các cơ quan truyền thông, cơ quan thông tấn, báo chí, đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Song song đó, BHXH tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện các hình thức truyền thông, vận động phù hợp xu hướng phát triển trong tình hình mới như thông qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo… nhằm tạo hiệu ứng và lan tỏa các chính sách BHXH, BHYT đến người dân. Đồng thời, thông qua Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của từng địa phương để tăng cường tuyên truyền, triển khai chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân, đặc biệt là tiếp tục hướng dẫn người dân tiết kiệm phần nhỏ thu nhập hàng ngày của gia đình để tham gia BHXH tự nguyện thông qua mô hình “Nuôi heo đất tích lũy tham gia BHXH tự nguyện” mà thời gian qua BHXH tỉnh đã triển khai hiệu quả tại các địa phương trong tỉnh.
Ông Lâm Thanh Thiên- Phó Giám đốc BHXH tỉnh (thứ 6 từ phải sang) trao tặng heo đất cho hội viên nông dân tham gia mô hình Nuôi heo đất
“BHXH tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đối với tổ chức, bộ máy làm công tác thu, Tổ chức dịch vụ thu; chấn chỉnh kịp thời sai phạm, nhũng nhiễu làm hạn chế kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác phát triển người tham gia. Tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ của đội ngũ CCVC trong ngành BHXH đối với người tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH tự nguyện; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng, coi đây là cơ sở quan trọng để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện”- ông Lâm Thanh Thiên chia sẻ.
Quỳnh Anh