BHXH Việt Nam vừa có báo cáo số 3451/BC-BHXH ngày 24/10/2023 gửi Bộ LĐ-TB&XH về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp đối với đồng bào DTTS vùng biên giới.
Theo BHXH Việt Nam, các quy định của pháp luật về chính sách BHXH, BH thất nghiệp đối với NLĐ không phân biệt về dân tộc. Do vậy, NLĐ là đồng bào DTTS và đa số đều có quyền được tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BH thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, ngày 8/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị SDLĐ là người DTTS tại khu vực miền núi, vùng ĐBKK và đã quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phần trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người SDLĐ cho NLĐ là người DTTS được tuyển dụng mới hoặc ký HĐLĐ. Theo Quyết định, đối tượng hỗ trợ là các công ty TNHH MTV nông, lâm, thủy sản do nhà nước làm chủ sở hữu; BQL rừng đặc dụng, BQL rừng phòng hộ; HTX; các DN ngoài Nhà nước (bao gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài) sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản có SDLĐ là người DTTS cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, khu vực miền núi, vùng ĐBKK. Đồng thời, NSNN hỗ trợ nộp thay đơn vị SDLĐ tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho lao động là người DTTS được tuyển dụng mới hoặc ký HĐLĐ với thời gian NSNN nộp thay đơn vị SDLĐ là 5 năm/lao động.
Thực hiện Quyết định trên, trong 9 tháng đầu năm 2023, số người DTTS tham gia BHXH bắt buộc là 624.869 người, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2022; tham gia BHXH tự nguyện là 122.377 người, tăng 102,8% so với cùng kỳ năm 2022; tham gia BH thất nghiệp là 549.159 người, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số người DTTS tại 25 tỉnh có đường biên giới đất liền (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang) tham gia BHXH bắt buộc là 216.997 người; tham gia BHXH tự nguyện là 70.196 người; tham gia BH thất nghiệp là 172.654 người.
Cùng với việc tham gia, trong 9 tháng BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng chế độ hưu trí cho 2.462 người DTTS (giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2022- chiếm tỷ trọng 4,9% tổng số giải quyết hưởng cả nước); giải quyết hưởng BHXH một lần cho 43.724 người (tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2022- chiếm tỷ trọng 5,1% tổng số giải quyết hưởng cả nước); giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần cho 1.087 người (giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2022- chiếm tỷ trọng 2,3% tổng số giải quyết hưởng cả nước); giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ- BNN một lần cho 140 người ( tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2022- chiếm tỷ trọng 3,8% tổng số giải quyết hưởng cả nước); giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK cho 72.522 lượt người (giảm 46,2% so với cùng kỳ năm 2022- chiếm tỷ trọng 1,1% tổng số giải quyết hưởng cả nước); giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 30.519 người (tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022- chiếm tỷ trọng 3,9% tổng số giải quyết hưởng cả nước).
Trong đó, đối với người DTTS tại 25 tỉnh có đường biên giới đất liền, BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng chế độ hưu trí cho 1.390 người (giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2022); giải quyết hưởng BHXH một lần cho 19.730 người (tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2022); giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần cho 570 người (giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2022); giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN một lần cho 47 người (tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022); giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK cho 16.092 lượt người (giảm 41,3% so với cùng kỳ năm 2022); giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 11.222 người (giảm 0,39% so với cùng kỳ năm 2022).
Như vậy, BHXH Việt Nam luôn chủ động, tích cực phối hợp, tham gia với các Bộ, Ngành liên quan về sửa đổi Luật BHXH 2014, Luật Việc làm và hoàn thiện nhiều dự thảo văn bản, quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản, báo cáo gửi các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành làm cơ sở để cấp có thẩm quyền hoạch định, xây dựng và ban hành các chủ trương, đường lối và các văn bản, chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp. Đồng thời, ngành BHXH không ngừng đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT trong tất cả các quy trình nghiệp vụ để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia và thụ hưởng các chính sách BHXH. Đặc biệt, việc giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp đối với NLĐ đảm bảo kịp thời, đúng quy định, tạo thuận lợi cho người thụ hưởng.
Nguyệt Hà