Số lao động làm việc ở khu vực phi chính thức lớn; tốc độ già hóa dân số nhanh; khả năng kiểm soát môi trường, đảm bảo ATLĐ còn thấp... là những vấn đề lớn đặt ra với Việt Nam lúc này.
Ngày 28/8 tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Tọa đàm Nhìn lại 10 năm phát triển công tác an toàn vệ sinh lao động tại Việt Nam.
Tại Tọa đàm, ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, công tác ATVSLĐ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thông qua các văn kiện, nghị quyết xuyên suốt trong nhiều năm qua. Đặc biệt, các quy định về quản lý nhà nước về ATVSLĐ; việc tuân thủ pháp luật của người SDLĐ cũng như các chế độ chính sách của NLĐ.
Trong 10 năm qua, công tác quản lý ATVSLĐ đã được đẩy mạnh nhất là sau khi Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư Về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế và Luật An toàn, vệ sinh lao động được ban hành, nhận thức của người SDLĐ và NLĐ về công tác ATVSLĐ được nâng cao rõ rệt. Các hoạt động ATVSLĐ đã chú trọng đến công tác phòng ngừa TNLĐ-BNN, tăng cường cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn trong sản xuất, gắn ATVSLĐ với bảo vệ môi trường, mở rộng việc quản lý ATVSLĐ ra khu vực phi chính thức... Phạm vi thống kê TNLĐ được mở rộng đến khu vực không có quan hệ lao động từ năm 2016, số liệu thống kê ngày càng đầy đủ hơn, cộng thêm sự gia tăng về quy mô lao động, sản xuất, đặc biệt trong một số ngành lĩnh vực như xây lắp, điện, cơ khí, khai khoáng, số tuyệt đối về TNLĐ mặc dù có xu hướng gia tăng về số vụ nhưng mức độ nghiêm trọng giảm. TNLĐ chủ yếu xảy ra đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về mất ATLĐ và gia tăng ở khu vực không có quan hệ lao động.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng thừa nhận, sau 10 năm, công tác ATVSLĐ của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện các yêu cầu của chỉ thị 29-CT/TW. Theo báo cáo khảo sát đánh giá từ các địa phương, doanh nghiệp, bộ, ngành, công tác tuyên truyền giáo dục về ATVSLĐ đã được cải thiện với nhiều hình thức đa dạng. Chính phủ và các bộ ngành và chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm hơn tạo nên những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của NLĐ và cộng đồng về ATVSLĐ. Nhưng hàm lượng ATVSLĐ trong chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa cao. Việc tuyên truyền giáo dục về ATVSLĐ cho khu vực không có HĐLĐ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là thiếu thốn về nguồn lực. Thêm vào đó, sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng công chức về ATVSLĐ là một vấn đề trong quá trình triển khai. Năng lực cán bộ ATVSLĐ cũng hạn chế khi thường xuyên có sự luân chuyển nhưng công tác tập huấn nghiệp vụ lại gặp khó khăn về vấn đề kinh phí. Nguồn lực thanh kiểm tra về vấn đề ATVSLĐ cũng còn nhiều vướng mắc. Tình trạng mất ATVSLĐ vẫn diễn ra nhiều, tình hình TNLĐ-BNN vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Tình hình TNLĐ còn phức tạp do chưa được thống kê đầy đủ; BNN ngày càng gia tăng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe NLĐ.
Trước những vướng mắc trên, Bộ LĐ-TB&XH đã đề ra mục tiêu chung là tiếp tục chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; giảm ô nhiễm môi trường lao động; chăm sóc sức khỏe NLĐ; nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ. Đặc biệt, ngăn chặn TNLĐ-BNN; bảo đảm an toàn tính mạng cho NLĐ, tài sản của Nhà nước, tài sản của doanh nghiệp, của tổ chức và cá nhân, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của quốc gia. Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng phấn đấu đến năm 2033, trung bình hằng năm giảm 5% tần suất TNLĐ chết người.
Theo bà Ingrid Christensen- Giám đốc ILO Việt Nam, Việt Nam đang trong thời điểm quan trọng để thúc đẩy công bằng xã hội nhờ những nỗ lực cải cách không ngừng nhằm phát triển kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực lao động và việc làm. Về công tác ATVSLĐ, Luật An toàn, vệ sinh lao động của Việt Nam đã đưa ra khuôn khổ vững chắc để cải thiện sức khỏe cho NLĐ tại nơi làm việc trong tất cả các thành phần kinh tế (bao gồm thành phần chính thức hay phi chính thức). Việt Nam có khoảng gần 70% lực lượng lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với 4 thách thức lớn. Cụ thể, số lao động làm việc trong khu vực phi chính thức khá lớn, bên cạnh đó nhiều lao động đang dần chuyển sang các hình thức mới như lao động công nghệ, lao động làm việc tại nhà hoặc lao động làm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo... Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Đó là một bài toán phải giải để đảm bảo được an toàn, sức khỏe cho các lao động cao tuổi cũng như chú ý đến nhóm lao động trẻ tuổi cũng là vấn đề cần được chú ý. Vấn đề thanh tra, theo đánh giá của ILO là vấn đề khó không chỉ với Việt Nam mà rất nhiều quốc gia khác đang gặp phải. Hiện nay, lao động Việt Nam làm việc ở cả khu vực chính thức và phi chính thức, những số liệu liên quan đến TNLĐ ở khu vực phi chính thức cần được báo cáo đầy đủ, rõ ràng, từ đó mới đưa ra được những giải pháp, giải quyết các vấn đề liên quan đến ATLĐ ở khu vực này. “Do vậy, trong quá trình rà soát và sửa đổi Luật An toàn, Vệ sinh lao động sắp tới, Việt Nam cần có những cơ chế thực sự bảo vệ nhóm NLĐ trong khu vực này tốt hơn. Việt Nam cần quan tâm đến tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe và an toàn của NLĐ bởi đây là một trong những yếu tố quyết định đến việc giải quyết triệt để các vấn đề rủi ro liên quan đến ATLĐ. ILO sẵn sàng cung cấp chuyên môn kỹ thuật và các công cụ để giúp cho các quốc gia thành viên mở rộng việc thu thập dữ liệu ATVSLĐ và cải thiện TNLĐ-BNN”- bà Ingrid Christensen khẳng định.
V.Thu