Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Bộ Y tế đã phê duyệt 18 Chương trình hỗ trợ thuốc, với trên 6.000 người bệnh mắc các bệnh hiểm nghèo được tiếp nhận tham gia các chương trình tại nhiều BV trên cả nước. Theo đó, tổng giá trị thuốc hỗ trợ khoảng 1.600 tỷ đồng.
Chiều 8/11, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tổng kết, đánh giá và xây dựng chính sách hỗ trợ thuốc. Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá các chương trình, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện để ngày càng hoàn thiện chính sách hỗ trợ thuốc.
Hỗ trợ hơn 6.000 người bệnh mắc các bệnh hiểm nghèo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, ngày 30/10/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 31/2018/TT-BYT quy định thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho cơ sở KCB để điều trị cho người bệnh. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019. Đến nay, sau gần 5 năm triển khai, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có các quyết định phê duyệt 18 chương trình hỗ trợ thuốc, với trên 6.000 người bệnh mắc các bệnh hiểm nghèo được tiếp nhận tham gia các chương trình tại nhiều BV trên cả nước.
Toàn cảnh Hội thảo
“Các chương trình hỗ trợ thuốc thực sự mang ý nghĩa nhân văn cao cả, mang lại ý nghĩa thiết thực cho người bệnh, giúp giảm giá thành điều trị, tăng tỷ lệ người bệnh tiếp cận điều trị thuốc, đặc biệt đối với các loại thuốc biệt dược gốc, thuốc sinh phẩm có chi phí điều trị lớn, chưa được quỹ BHYT chi trả”- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Bên cạnh những ý nghĩa tích cực, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, việc triển khai thực hiện Thông tư số 31/2018/TT-BYT cũng bộc lộ một số vấn đề vướng mắc, bất cập cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó bao gồm các quy định về phạm vi áp dụng của hình thức hỗ trợ thuốc một phần, quy định về hồ sơ, thủ tục phê duyệt chương trình, quy định về việc đề xuất thay đổi nội dung chương trình trong thời gian đang thực hiện chương trình…
“Hiện nay, theo quy định của Thông tư số 31/2018/TT-BYT, các chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí một phần phải được Bộ Y tế phê duyệt về nội dung trước khi thực hiện. Có ý kiến cho rằng, nên phân cấp cho các cơ sở KCB tự trao đổi, thống nhất với các cơ sở kinh doanh dược và thực hiện ký hợp đồng hợp tác để thực hiện mà không cần phải được Bộ Y tế phê duyệt. Điều này sẽ giúp đơn giản hoá TTHC, đồng thời rút ngắn thời gian người bệnh được tiếp cận thuốc hỗ trợ. Bộ Y tế chỉ nên quy định khung các nội dung cơ bản của chương trình hỗ trợ thuốc và hướng dẫn quy trình, thủ tục để các BV và cơ sở kinh doanh dược tự thực hiện”- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng cho rằng, đối với các chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí một phần cũng cần nghiên cứu, xem xét có nên mở rộng cho các thuốc đã hết bảo hộ độc quyền, thuốc sinh phẩm hoặc thậm chí mở rộng cho cả các thuốc generic để tăng khả năng tiếp cận thuốc, giảm chi phí điều trị cho người bệnh hay không? Đây là những vấn đề quan trọng cần thảo luận, nghiên cứu kỹ để vừa có thể thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng lợi vừa mang lại lợi ích cho người bệnh, gia đình người bệnh và cho cả xã hội.
Để giải quyết những hạn chế, thời gian qua, Bộ Y tế đã tiến hành xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 31/2018/TT-BYT để giải quyết các vấn đề bất cập. Tại Hội thảo, đại diện Bộ Y tế cùng các chuyên gia đã tập trung rà soát, thảo luận cho ý kiến đối với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung được quy định trong dự thảo thông tư để đảm bảo Thông tư ban hành ra nhận được sự đồng thuận cao và triển khai thực hiện được thuận lợi nhất, đáp ứng tốt hơn nữa với thực tiễn cuộc sống đặt ra, đặc biệt là đối với người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo.
Giảm gánh nặng tiền thuốc cho bệnh nhân hiểm nghèo
Chia sẻ về tình hình thực hiện các chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí một phần theo quy định của Thông tư số 31/2018/TT-BYT, ông Nguyễn Quốc Toản- Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay có 18 chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí một phần đã được Bộ Y tế phê duyệt. Trong số đó có 15 chương trình đang thực hiện, 3 chương trình đã kết thúc với 6.051 người bệnh tham gia (3.193 người bệnh dừng tham gia, 2.858 người bệnh đang tham gia). Tổng giá trị thuốc hỗ trợ khoảng 1.600 tỷ đồng, trung bình mỗi người bệnh được hỗ trợ 264 triệu đồng.
Nhìn lại 5 năm triển khai chương trình, đại diện Vụ BHYT khẳng định, trong quá trình thực hiện, các bên liên quan luôn quan tâm, theo dõi sát sao để xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình hỗ trợ thuốc. Cùng với đó, người bệnh cũng hợp tác và tuân thủ các quy định của chương trình, từ đó tuân thủ phác đồ điều trị tốt hơn.
Với chức năng hỗ trợ bệnh nhân ung thư nghèo, hỗ trợ thuốc điều trị ung thư…, trong những năm qua, Quỹ Ngày mai tươi sáng đã có kinh nghiệm triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thuốc. Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Quỹ Ngày mai tươi sáng cho biết: "Để triển khai hiệu quả chương trình, Quỹ Ngày mai tươi sáng, các đơn vị tài trợ, công ty phân phối thuốc và các BV luôn chủ động phối hợp. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ từ Bộ Y tế, sự quan tâm của các BV và sự đón nhận của các bệnh nhân".
Tuy nhiên, chương trình quản lý khá phức tạp, nhiều đơn vị tham gia; chi phí thuốc điều trị bệnh ung thư hiện còn cao so với điều kiện kinh tế của người dân Việt Nam. Cùng với đó, thời gian điều trị kéo dài khiến nhiều người bệnh dừng chương trình vì không đủ điều kiện kinh tế để duy trì chi trả…
Do đó, đại diện Quỹ Ngày mai tươi sáng đề xuất cần xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, ứng dụng CNTT; đẩy nhanh việc phê duyệt các chỉ định mới, cập nhật phác đồ được thế giới phê duyệt. "Công ty tài trợ tiếp tục thực hiện những chương trình hỗ trợ để người bệnh có cơ hội tiếp tục điều trị đến khi BHYT chi trả hoặc có thuốc khác thay thế. Cùng với đó, cần có lộ trình đưa thuốc vào danh mục thuốc bảo hiểm, nếu thuốc có bảo hiểm một phần thì vẫn duy trì chương trình hỗ trợ thuốc"- đại diện Quỹ Ngày mai tươi sáng chia sẻ.
Cùng chung quan điểm với đại diện Quỹ Ngày mai tươi sáng, đại diện BV K đề xuất: "Một số chỉ định đã sử dụng ở các nước trên thế giới/chỉ định tại Việt Nam sau khi có chương trình thuốc, nên không áp dụng với chương trình viện trợ. Điều này vô hình chung gây ra mất cân bằng giữa các người bệnh với các mặt bệnh khác nhau".
Hà Hùng